• Zalo

Đức thừa nhận thiệt hại kinh tế khi từ chối nhập khẩu khí đốt Nga

Thời sự quốc tếThứ Năm, 18/01/2024 06:41:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết nền kinh tế nước này đã mất lợi thế cạnh tranh sau khi từ chối nhập khẩu khí đốt từ Nga.

"Việc nhập khẩu khí đốt của Nga trước đây đã mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh, mang lại rất nhiều lợi nhuận. Sau khi dừng nhập khẩu, chúng tôi mất lợi thế cạnh tranh vì giá năng lượng ở Đức trở nên cao hơn", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các nhà lập pháp.

Trước đó, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Đức đã tăng từ mức 3,2% trong tháng 11 lên 3,7% vào tháng 12/2023. Theo Destatis, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Đức đã tăng 0,1% trong tháng 12.

Ngành công nghiệp Đức vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt. (Ảnh: AP)

Ngành công nghiệp Đức vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt. (Ảnh: AP)

Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa, thước đo lạm phát giá tiêu dùng tiêu chuẩn của EU, tại Đức đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo.

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết, vào tháng 11/2023, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, Đức là nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp nhất trong số tất cả các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro. Hội đồng cho rằng nguyên nhân của việc này là do giá năng lượng tăng mạnh vào năm 2022 và tỷ trọng cao của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Đức. Hội đồng cũng dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm 2023 là 6,1% và trong năm 2024 là 2,6%.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022, Liên minh châu Âu đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm tiêu thụ khí đốt và hạn chế khối sử dụng các nguồn năng lượng của Nga, bao gồm cả trần giá khí đốt.

Trước đó, vào tháng 10/2023, ông Habeck thừa nhận rằng Đức đang phục hồi chậm hơn. Ông cho biết trong một cuộc họp báo: “Trong một môi trường địa chính trị khó khăn, chúng ta đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự kiến”.

Bộ trưởng Đảng Xanh, kiêm phó thủ tướng Đức, cho rằng cho sự sụt giảm sản lượng công nghiệp là hậu quả kéo dài từ cuộc khủng hoảng năng lượng, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng chi phí đi vay nhằm kiềm chế lạm phát. 

Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn