• Zalo

Đức muốn châu Âu đoàn kết, vượt qua khủng hoảng COVID-19

Thời sự quốc tếThứ Năm, 09/07/2020 07:20:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Ưu tiên lớn nhất của Đức trong 6 tháng giữ chức Chủ tịch luân phiên EU là đưa khối này ra khỏi khủng hoảng COVID-19 và vẫn giữ được sự đoàn kết lâu dài.

Trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện châu Âu tại Brussels công bố những ưu tiên chính sách mà Đức muốn thực thi trong 6 tháng giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, ưu tiên cao nhất của Đức là đảm bảo châu Âu thoát ra khỏi khủng hoảng mà vẫn đoàn kết, trong không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài vì hiện tại EU đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử khối này.

Sự ổn định ngắn hạn ở châu Âu là không đủ. Chúng tôi muốn có một châu Âu đem lại hy vọng. Chúng tôi muốn một châu Âu tự tin và dũng cảm đối mặt với các thách thức hiện tại, một châu Âu đảm bảo được tương lai, sáng tạo và bền vững để có một vị trí trên thế giới. Chúng tôi muốn có một sự khởi đầu mới cho châu Âu”, bà Merkel nói.

Đức muốn châu Âu đoàn kết, vượt qua khủng hoảng COVID-19 - 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Về mặt hành động cụ thể, ưu tiên lớn đầu tiên của nước Đức là thuyết phục toàn bộ các thành viên EU đồng ý thông qua gói hồi phục kinh tế trị giá 750 tỷ euro mà Uỷ ban châu Âu đề xuất hồi đầu tháng 6/2020 nhằm giúp các nền kinh tế thành viên vực dậy sau đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, lãnh đạo các nước EU sẽ họp Thượng đỉnh gặp mặt trực tiếp trong hai ngày 17 và 18/07 tới tại Brussels để bàn về gói phục hồi kinh tế này.

Hiện tại các nỗ lực ngoại giao đang được Đức và Pháp thúc đẩy mạnh mẽ nhằm thuyết phục nhóm các nước phản đối là Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thuỵ Điển chấp nhận gói 750 tỷ euro này.  

Các nước này vẫn phản đối phương thức phân bổ số tiền 750 tỷ euro vì cho rằng nhiều nước Nam Âu như Italia hay Tây Ban Nha nhận được quá nhiều tiền mà không có nghĩa vụ trả nợ.

Theo tính toán ban đầu, Italia có thể nhận được trên 80 tỷ euro, tiếp đến là Tây Ban Nha khoảng 70 tỷ euro, sau đó là các nước như Pháp, Đức, Ba Lan.

Ngoài chủ đề về gói hồi phục 750 tỷ euro, EU dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn khác trong nửa cuối năm 2020, trong đó nổi bật là việc hoàn tất đàm phán hậu Brexit với Vương quốc Anh và điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc. 

Về vấn đề Brexit, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục cảnh báo rằng dù hai bên nỗ lực để đạt được thoả thuận vào mùa Thu năm nay nhưng châu Âu cần phải chuẩn bị phương án khác, bao gồm cả việc không có thoả thuận.

Liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, trong nhiều ngày qua, Thủ tướng Đức luôn lên tiếng yêu cầu EU có một tiếng nói chung khi đối thoại với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, chính quyền Đức cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc và cho biết cần sớm lên lại lịch cho cuộc họp Thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Đức, sau khi đã huỷ lịch ban đầu vào tháng 9/2020 tại thành phố Leipzig vì lí do đại dịch COVID-19.

Quang Dũng/VOV-Paris
Bình luận
vtcnews.vn