• Zalo

Đức khởi động lại các nhà máy than để tiết kiệm khí đốt

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 06/10/2023 18:28:59 +07:00Google News
(VTC News) -

Đức sẽ kích hoạt lại một số nhà máy than đã ngừng hoạt động để tiết kiệm khí đốt và ngăn chặn tình trạng thiếu điện trong mùa đông sắp tới.

Trong một thông báo ngày 5/10 (giờ địa phương), Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức cho biết chính phủ nước này cho phép nhà sản xuất điện lớn nhất đất nước - RWE - khởi động lại hai lô than tại nhà máy Niederaussem và một lô khác tại nhà máy Neurath để bổ sung thêm điện vào lưới điện.

Một lệnh tương tự cho phép nhà máy điện than lớn thứ hai nước này - LEAG - khởi động lại 2 khối nhà máy than Jaenschwalde của mình.

Lệnh này có hiệu lực từ ngày 5/10, các nhà máy than dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn cho đến tháng 3/2024. Ngoài ra, Berlin cũng đang xem xét kéo dài hoạt động của hai tổ máy than tại nhà máy Neurath của RWE cho đến mùa xuân năm 2025.

Đức khởi động lại các nhà máy than để phòng nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông. (Ảnh: Getty Images)

Đức khởi động lại các nhà máy than để phòng nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông. (Ảnh: Getty Images)

Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức, động thái trên là một “biện pháp phòng ngừa rủi ro cho mùa đông sắp tới”.

“Dự trữ nguồn cung sẽ được kích hoạt lại để tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện và từ đó ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt sưởi ấm trong mùa đông 2023 - 2024”, thông báo của Bộ này nêu rõ và cho biết thêm rằng biện pháp này sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của Berlin là hoàn thành việc loại bỏ than vào năm 2030 cũng như các mục tiêu khí hậu khác.

Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức cam kết sẽ đánh giá lượng khí thải carbon bổ sung do việc kích hoạt lại các nhà máy than và có kế hoạch đưa ra các biện pháp khắc phục vào mùa hè tới.

Việc Đức quay trở lại sử dụng than diễn ra trong bối cảnh lo ngại về việc lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái, do nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm mạnh.

Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt trước năm 2022. Quốc gia này cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc giảm nguồn cung năng lượng của Nga, do các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva liên quan đến Ukraine.

Trong khi Đức đã thực hiện các bước để thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung khác và giảm mức tiêu thụ năng lượng, các chuyên gia trong ngành vẫn đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt kéo dài.

Theo một báo cáo gần đây từ tập đoàn điều hành kho lưu trữ khí đốt INES của Đức, nước này sẽ vẫn có nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa nóng cho đến mùa đông năm 2026 - 2027, trừ khi đầu tư thêm cơ sở hạ tầng nhiên liệu, khả năng lưu trữ và kết nối đường ống.

Các nhà phân tích cảnh báo, việc đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức vào tháng 4 năm nay càng đe dọa nguồn cung năng lượng của nước này.

Hoa Vũ(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn