Theo RT, Berlin đã giải thích tại sao họ từ chối đề xuất của Warsaw về việc cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Tobias Lindner, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức, nói nước này không có thẩm quyền làm điều đó một mình.
Vị quan chức này giải thích, tên lửa Patriot là một phần của "hệ thống phòng thủ tập thể" của NATO. Berlin không thể dễ dàng chuyển giao cho bên thứ ba như Ukraine. Thay vào đó, Đức đề nghị tăng cường an ninh cho Ba Lan bằng cách gửi các hệ thống phòng không đến biên giới phía đông của NATO.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đề xuất Đức gửi các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất tới miền tây Ukraine vào cuối tháng 11. Bộ trưởng cho rằng, động thái đó sẽ bảo vệ Ukraine khỏi mất điện do các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, và sẽ "tăng cường an ninh ở biên giới phía đông của chúng tôi".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói, bất kỳ việc sử dụng tên lửa nào bên ngoài NATO sẽ cần có các cuộc thảo luận của thành viên cả khối.
Blaszczak cho hay, ông "thất vọng" trước quyết định từ chối của Đức, đồng thời nói thêm Ba Lan sẽ tuân theo kế hoạch ban đầu và nỗ lực tích hợp Patriot vào hệ thống của mình.
Berlin đề nghị tăng cường khả năng phòng thủ của Ba Lan sau khi một tên lửa rơi ở miền đông nước này vào tháng 11, khiến hai người thiệt mạng. Trong khi các quan chức Ukraine cho rằng vụ việc liên quan Nga, Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, sau đó cho biết, tên lửa có khả năng được phóng bởi lực lượng phòng không Ukraine và đã đi chệch hướng.
Ngày 2/12, theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông lưu ý với Thủ tướng Scholz “đường lối hủy diệt của các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Đức, khi cung cấp vũ khí cho Kiev và huấn luyện quân đội Ukraine”, đồng thời kêu gọi Đức xem xét lại cách tiếp cận của mình trong bối cảnh các sự kiện ở Ukraine.
Kể từ ngày 24/2, Tổng thống Putin đã điện đàm với Thủ tướng Scholz 11 lần.
Bình luận