(VTC News) - Nhiều báo chí đưa tin không chính xác về việc sáp nhập MobiFone, VinaPhone. Ông Nguyễn Trọng Phát – Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn của Bộ TT&TT khẳng định các báo đưa tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty trong đó có Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ diễn ra ngày 12/06/2012 được công bố rộng rãi nhưng nhiều báo chí vẫn đưa tin sai. Hậu quả là người đọc ngộ nhận rằng việc sáp nhập MobiFone, VinaPhone là việc đã "trong lộ trình".
Ông Nguyễn Trọng Phát – Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn của Bộ TT&TT khẳng định hiện tại Bộ TT&TT chưa có ý kiến về việc sáp nhập MobiFone và VinaPhone. Ông Phát cho biết các báo đưa tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dưới đây là câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc ngành quản lý và dự kiến tái cơ cấu các doanh nghiệp này: “Theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quán triệt triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lý, trong đó, có tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) có mạng viễn thông Mobiphone và Vinaphone. Hiện nay, chúng ta có 6 nhà mạng cung cấp dịch vụ di động, trong đó có Mobiphone và Vinaphone.
Tập đoàn VNPT là tập đoàn viễn thông mạnh, có thương hiệu lan tỏa trong nước và quốc tế, kèm theo đó Mobiphone và Vinaphone cũng là thương hiệu quốc gia, được lan tỏa trong khu vực và quốc tế. Có thể nói đó là tự hào của ngành truyền thông, của VNPT cũng như hai công ty này. Việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty để chúng ta mạnh lên là một yêu cầu cần thiết vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sau thời gian thí điểm vừa qua.
Chúng ta cũng thấy trên hội trường Quốc hội có rất nhiều ý kiến về các tập đoàn, tổng công ty đã có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội, trở thành lực lượng chủ lực của kinh tế nhà nước. Vai trò của các tập đoàn, tổng công ty thể hiện rất rõ đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP, giải quyết việc làm. Đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty đã ứng dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là các tập đoàn, tổng công ty thực hiện kinh doanh dịch vụ trên mạng viễn thông, đã biến dịch vụ viễn thông như điện thoại di động từ dịch vụ cao cấp, xa xỉ trở thành dịch vụ bình dân, nhờ các nhà mạng này đã có sự phát triển rất nhanh, đột phá, đầu tư thích đáng, ứng dụng các công nghệ thông tin mới làm giá thành dịch vụ di động ngày càng rẻ, chất lượng ngày càng tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn cho người dân được hưởng lợi trong quá trình phát triển mạnh mẽ như vậy.
Nhưng bên cạnh đó, cũng như các tập đoàn, tổng công ty của cả nước trong quá trình thí điểm, cũng có những cái được và chưa được thì các công ty dịch vụ trong viễn thông cũng có những mặt mạnh cơ bản nhưng cũng có những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức, đầu tư, quản lý, vận hành hoạt động của mình.
Chính vì vậy VNPT như các công ty truyền thông cũng nằm trong đối tượng để tái cấu trúc trong thời gian tới. Việc tái cấu trúc này cũng phải có lộ trình. Như chúng ta đã biết, sau Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng những văn bản pháp quy cần thiết để thực hiện lộ trình này, bởi tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty là rất quan trọng, góp phần tạo nên những “quả đấm thép” của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường, góp phần khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty cần phải tiến hành rất thận trọng nhưng không có nghĩa là chúng ta kéo dài thời gian hay làm cho xong chuyện mà chúng ta phải làm một cách bài bản, trách nhiệm, đúng quy trình.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ vì sau Chỉ thị 03, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng các văn bản pháp quy cụ thể. Ví dụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và đề án này đã trình trong phiên họp của Chính phủ tháng 3. Và hiện nay, đề án này, sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, đang chờ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty. Kèm theo quyết định đó thì các Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và một số bộ, ngành khác ban hành sửa đổi một số văn bản pháp lý cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới. Đó là cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị bộ, ngành có liên quan chiếu theo đó để thực hiện.
Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang sẵn sàng khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và các văn bản pháp quy kèm theo, để vào cuộc thực hiện chỉ đạo tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lý trong đó có VNPT theo lộ trình trong thời gian tới.
Tôi mong muốn rằng sau tái cấu trúc này thì VNPT sẽ mạnh lên, trong đó có Vinaphone và Mobiphone ngày càng mạnh lên, khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội, trong thị trường viễn thông. Và tôi tin tưởng rằng với những gì đã làm của VNPT, trong đó có Vinaphone và Mobiphone, sau tái cấu trúc sẽ có điều kiện cơ hội phát triển tốt hơn nữa và người dân sẽ có điều kiện hưởng lợi dịch vụ viễn thông từ VNPT, cụ thể từ Vinaphone và Mobiphone, cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác”.
PV (Tổng hợp)
Bình luận