Kỳ 1: Bên kia Hang Chuột là thiên đường
Anh "Sáng Choang" đi qua cửa buồng tàu thì khựng lại, cười nhe răng. Thấy tôi ở một mình một buồng nên anh Sáng Choang hỏi han một hồi là về thu đồ, bỏ buồng của đội sang buồng tôi ở cùng.
Ngồi xem anh Sáng Choang khoe đồ nghề từng chinh phục Fansipan, sườn Tây Yên Tử, 3 ngọn Tam Đảo và nay là Tú Làn, mồm tôi cứ há hốc. Tôi suy nghĩ, chẳng nhẽ đoàn đi lần này hơn 100 con người, ai cũng như ông Sáng Choang? Nếu thế thì kinh thật. Cũng may là tôi không phải dạng lười vận động nên cũng bớt lo.
Lúc tôi nói chuyện với anh trên tàu, anh ấy chưa có tên là “Sáng Choang”. Thực tình tôi không biết tên anh ấy là gì và đến giờ vẫn vậy. Vào buổi sáng trước khi tàu dừng ở ga Đồng Hới, tôi hỏi: “Anh có biết đội 8 ở toa nào không?”. Thay vì trả lời, anh cười nhe răng sáng choang và đi mất hút sang toa khác. Một lúc sau anh quay lại, dẫn về một anh bạn tên Vinh đi hơi cà nhắc, dúi vào tay tôi: “Đây, đồng đội của ông đây”.
Vượt dòng Rào Nan
Chúng tôi tập kết trên một bãi cỏ rộng trước đại bản doanh của Oxalis – đơn vị khai thác độc quyền tour Tú Làn. 10 đội cùng xếp hàng khởi động chuẩn bị bước vào cuộc đua. Trong ngày đầu tiên, chúng tôi phải xuôi dòng Rào Nan, vượt qua Hang Chuột để tới thung lũng có con suối Lồ Lộ, cắm trại và nghỉ đêm tại đó.
Đội 8 của tôi có Long, dân Quảng Bình chính cống. Long đeo cái máy phim lòng thòng dưới cổ, mỗi lần định ấn chụp lại phải nghĩ nát đầu vì phim chỉ có 34 kiểu.
Nói đến Quảng Bình của Long ai chẳng biết một vài câu trong bài “Quảng Bình quê ta ơi”.Tôi thuộc cả bài luôn, nhưng không biết “Có ai về Rào Nan, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm”nằm ở đâu trên nút thắt miền Trung Quảng Bình. Chỉ khi về Hà Nội, tôi mới ngớ người biết rằng, dòng Rào Nan mà chúng tôi vượt qua ở thử thách đầu tiên trên hành trình Tú Làn chính là địa danh trong câu hát nói trên.
Rào Nan ở thượng nguồn chỉ như một con suối. Nước chảy không mạnh, nhưng đủ khiến 12 thành viên của đội “siêu nhân người nhện” chèo thuyền quay lô 9 lần. Đến lần thứ 10, anh Ngọc đội trưởng liều mình băng xuống suối làm…chân vịt lái thuyền, chiếc điện thoại cũng theo anh hòa vào dòng suối lúc nào không hay.
Tuyên người Móng Cái may mắn hơn là rơi điện thoại vào trong thuyền, nhưng khi mò lên cũng đã “bán thân bất toại”, muốn cho sập nguồn mà không sập được.
Ngược lại, anh Sang Đắk Lắk chỉ lo sập nguồn vì có hai cục sạc dự phòng để trong balo, nước tràn vào thuyền ướt sạch. Anh Sang không chỉ ăn kém sang mà có cái balo cũng kém sang. Nó to đùng, anh đeo phải rướn cổ, gù lưng trông cứ như thần rùa.
Nhưng anh Sang không chậm như rùa. Sau khi nước tràn thuyền khiến anh mất hai cục sạc dự phòng, anh hùng hục tát nước như thể để xả tức. Lúc anh ngẩng đầu lên, thuyền đã qua cả chục khúc cua với hai bên ngờ cỏ lên xanh mướt, những ruộng ngô đang mùa ra bắp hòa vào màu xanh của trùng điệp núi rừng.
Thiên đường bên kia Hang Chuột
Chèo thuyền khoảng 3km, chúng tôi tới điểm tập kết. Bên kia bờ suối là hang Chuột, miệng hang rộng ngoác, có nhiều nhũ đá nhọn hoắt cắm xuống như những chiếc răng chuột. Có lẽ bởi thế, người ta gọi là hang Chuột?!
Trong hang Chuột không thấy chuột, chỉ thấy dơi bám đen xì trên vách đá, thấy những cây măng đá mọc lên như bãi cọc Bạch Đằng, những lối đi hẹp bùn nhão và trơn trượt. Tôi rọi đèn khắp hang cố tìm bóng dáng Kong, bởi nơi đây Jordan Vogt-Roberts và các đồng nghiệp từng bấm những cảnh quay đầu tiên của “bom tấn” Kong: Skull island (Kong: Đảo đầu lâu). Nhưng ra tới gần cửa hang bên kia vẫn không thấy Kong đâu. Bấy giờ chỉ có tiếng người dội vào vách đá vang lên từng chập. Một chút thất vọng nhẹ không phải bởi hang xấu mà bởi hang không sâu.
Dưới cửa hang Chuột là một thung lũng xanh mướt khác. Nhưng phải đến khi đi hết con đường mòn uốn lượn trong thung lũng này tôi mới có thể kết luận thêm nó là thiên đường.
Nhưng để được hưởng trọn thiên đường này, chúng tôi may mắn không giải được bài toán cắm cờ đầy hóc búa mà ban tổ chức đưa ra ở cửa Hang Chuột. Thế là chúng tôi không được đi đường tắt để rút ngắn thời gian về điểm tập kết mà phải đường vòng và nhờ đó, được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp.
Ở thiên đường có một con suối nước rất trong, in bóng thảm hoa vàng hai bên bờ. Chúng tôi đứng lặng một hồi lâu, đắm mắt vào dòng suối, quên hết cả mệt mỏi, quên luôn cả việc phải tăng tốc để về đích.
Suối hoa không có cầu để qua, chỉ có hai sợi dây thừng buộc vào hai cây lớn ở mỗi bờ suối. Dây buộc phía dưới để giậm chân, dây buộc phía trên để bám tay. Tất cả phải qua suối bằng hai sợi dây này mà không được rơi xuống nước. Nếu rơi xuống sẽ phải đi lại.
Thử thách này thực ra không khó và chúng tôi đáng ra vượt qua hết. Nhưng tiếc là Tuấn Anh đi chốt đoàn phải lao mình xuống suối khi chiếc máy quay trên đầu anh bất thình lình rơi tõm. Cũng may cú nhảy mau lẹ nên chiếc go pro không nằm lại dưới lòng suối.
Khi cả đội dồn sức kéo căng sợi dây thừng để Tuấn Anh vượt qua suối thì trời ơi, hàng trăm con bướm trắng từ đâu bay tới, vây quanh người Tuấn Anh như hình ảnh của nàng Hàm Hương công chúa trong phim Hoàn Châu Cách Cách năm nào. Một cảnh tượng tưởng chỉ có trong phim, nay xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Trong phút chốc tôi chợt nghĩ, có khi nào dòng suối ngấm cả hương của thảm hoa đôi bờ để khi Tuấn Anh đằm mình xuống, bướm mới vây quanh?
Ở thiên đường còn có núi kết núi như xây thành lũy, cây kết vòm thành lối đi, dẫn dụ người ta tới khung trời hoa mộng. Dưới khung trời hoa mộng đó có đàn bò đủng đỉnh trong nắng, có căn nhà cô đơn bằng gỗ nằm giữa bài cỏ rộng với hàng rào vây quanh. Có đôi trai gái trong đội đua cố tình tụt lại phía sau ngồi trên hàng rào ngắm ráng chiều nghiêng bên sườn núi. Hình như đôi trai gái không thích mình cô đơn nữa!
Ở thiên đường còn có cây phản quang, tôi không biết chúng tên gì, chỉ biết mặt trời ngả về chiều rọi xuống, lá cây lấp lánh phản lên thứ ánh sáng bàng bạc đẹp vô cùng, đội “siêu nhân người nhện” đi tán lá đó, cứ tan biến dần.
Bên kia lùm cây phản quang là những tiếng cười nói. Dưới con suối Lồ Lộ, đoàn người chinh phục Tú Làn kết thúc ngày đầu tiên bằng cách đằm mình trong nước, gột rửa những mỏi mệt. Trên bờ suối Lồ Lộ, tôi nhớ có cái biển người ta viết đầy hài hước: “Suối Lồ Lộ, tắm cấm mặc đồ!”
(Còn tiếp)
Bình luận