• Zalo

Đưa người thi hành án tử hình từ Lào Cai sang Sơn La hết 300 triệu đồng

Thời sựThứ Bảy, 20/06/2015 08:30:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội đã nêu những khó khăn thực tế trong việc tạm giữ, tạm giam tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 19/6.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đã nêu những khó khăn thực tế trong việc tạm giữ, tạm giam tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 19/6.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đồng tình với việc giữ nguyên mô hình trại tạm giam, nhà tạm giữ như hiện nay.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình)
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) 
Ông Thường cho rằng công tác quản lý giam giữ thời gian qua mô hình này cho tới giờ phút này không nảy sinh vấn đề quá lớn. Khi tổ chức bộ máy độc lập theo ngành dọc phải xây dựng thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ thì không phù hợp với điều kiện hiện nay.

Hiện nay nhà tạm giữ cấp huyện và cả lực lượng công an cấp huyện bảo vệ an toàn cho nhà tạm giữ này. Tách ra theo hệ thống ngành dọc thì kinh phí đầu tư lớn, không khắc phục được bất cập hiện nay. Hiện đang cố gắng giảm tạm giam, giảm nhà tù thì giờ lại dự kiến xây dựng thêm thì không hợp lý.

“Hiện nhà tạm giữ nằm trong công an cấp huyện, cả lực lượng công an cấp huyện bảo vệ nó chứ không phải chỉ có lực lượng chuyên trách. Nếu tách riêng ra phải tổ chức công tác bảo vệ như thế nào”, đại biểu Thường nêu ý kiến.

Về việc quản lý người bị thi hành án tử hình, đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu tạo điều kiện cho Bộ Công an, bởi dồn tất cả bị can thi hành án tử hình vào một trại có rủi ro rất lớn và rất tốn kém.

“Chúng tôi đi giám sát ở Sơn La thấy rằng việc đưa người thi hành án tử hình từ Lào Cai sang Sơn La thi hành án hết từ 200 đến 300 triệu đồng. Đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự mà không an toàn. Quan điểm của tôi là giữ như hiện nay, giữ phạm nhân thi hành án tử hình ở trại tạm giam Công an cấp tỉnh”.
đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long)
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) 
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng cho rằng, hiện nay hệ thống phòng tạm giam, tam giữ cũng tương đối độc lập chứ không hẳn là phụ thuộc hẳn vào cơ quan điều tra nên không nhất thiết phải tách riêng.

Vì thế, đại biểu Ngũ nhấn mạnh, không nên thành lập hệ thống riêng tốn kém bộ máy, cơ sở vật chất mà chưa chắc đã hạn chế được bức cung nhục hình.

“Bức cung nhục hình giải quyết chính là công tác các bộ, các thủ tục pháp lý. Chúng ta thực hiện tốt, chặt chẽ thì khắc phục được”, ông Ngũ nói.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ thì cho rằng, thi hành án tử hình không thể gom vào một chỗ nên để nhà tạm giam nhưng kiên cố hoá nhà tạm giam tử hình.

Trong khi đó,  đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cũng đề nghị, về chế độ ăn ở của người bị tạm giữ, tạm giam, không nên liệt kê cụ thể số lượng đường, muối, gạo…

Các đại biểu Quốc hôi cũng đồng ý và đề nghị nên có chế độ riêng đối với đối tượng tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, cũng cần rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh phí cho người bị tạm giam, tạm giữ để nâng cao tính khả thi.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn