Theo danh sách được VFF công bố hôm 18/4, ứng viên vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ 8 gồm 4 người: Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 (Tp Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng và nguyên Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế.
Do khâu cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt chưa hoàn tất, đại hội VFF dự kiến chỉ có thể diễn ra trong tháng 6 tới và càng tới thời điểm trên, không khí hậu trường càng nóng hơn. Rất nhiều thông tin xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội với mục tiêu bôi nhọ, công kích các ứng viên tranh cử mà giới bóng đá thoạt trông đều biết là từ đâu.
Trong số này, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn bị tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và dai dẳng nhất. Nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thực bị tung ra, hoặc có những vấn đề cơ quan điều tra đã có kết luận vẫn bị “moi” lại để làm phục vụ cho cuộc tranh cử.
Lý do bởi ông Tuấn, với kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm, thạo việc và được lòng các CLB (được nhiều CLB tín nhiệm nhất), đang là ứng viên sáng giá trong cuộc đua. Không phải ngẫu nhiên ông bầu Đoàn Nguyên Đức, đương kim Phó Chủ tịch VFF hiện tại đã dành những ý kiến khen ngợi ông Tuấn bởi những đóng góp cho VFF suốt giai đoạn vừa qua, dù ông Đức đang chỉ trích rất kịch liệt VFF.
HAGL của bầu Đức đã giới thiệu ông Tuấn tái tranh cử chức Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, trong khi với ghế Phó chủ tịch tài chính, đội bóng phố núi không điền tên ai.
Ông Tuấn bị “đánh” thì ai được hưởng lợi, công chúng và người hâm mộ đều có thể dễ dàng nhìn ra. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo lắng là vì chuyện này, hình ảnh bóng đá Việt Nam đang bị ảnh hưởng xấu đi. Người ta buộc phải đặt câu hỏi, vì sao những người đang mang danh làm “vì bóng đá”, lại bất chấp lợi ích của bóng đá Việt Nam chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân? Ai đã vì những chiếc ghế quyền lực ở VFF, sẵn sàng đạp lợi ích của bóng đá Việt Nam xuống dưới?
Bóng đá Việt Nam cần một cuộc tranh tài sòng phẳng để lựa chọn được người thực sự xứng đáng, chứ không phải kẻ bước lên ngôi “minh chủ” bằng thủ đoạn “đánh dưới thắt lưng” người khác. Bóng đá Việt Nam có thể trông đợi gì vào một vị chủ tịch mà chỉ vì quyền lực cá nhân, có thể bôi bẩn nó suốt thời gian vừa qua?
Có lẽ đã tới lúc Chính phủ, Bộ VH-TT&DL cần những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn, để tránh cho bóng đá Việt Nam đối diện với những rủi ro trong tương lai.
Bình luận