• Zalo

Đưa 'có lên có xuống, có vào có ra' thành văn hóa trong công tác cán bộ

Chính trịThứ Ba, 09/07/2024 11:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phải thay thế cán bộ uy tín giảm sút, đưa việc "có lên có xuống, có vào có ra" dần trở thành văn hóa trong công tác cán bộ.

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh khi quán triệt nội dung Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tới các điểm cầu trên cả nước, sáng 9/7.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt và hướng dẫn triển khai Quy định 144 của Bộ Chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt và hướng dẫn triển khai Quy định 144 của Bộ Chính trị. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ khóa XI đến XIII, Đảng ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quyết liệt thể hiện tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", nhằm đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan các hành vi sai trái diễn ra kể cả các năm trước và những hành vi sai phạm mới phát sinh. Khởi tố nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những điểm mới thời gian qua là từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện điều tra dư luận xã hội, trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, quản lý phụ trách.

"Phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh và cũng rất nhân văn, đưa "có lên có xuống, có vào có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề cập.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. 

Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh và tinh thần này được thể hiện từ Trung ương xuống địa phương. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị. Đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, về tư tưởng, về đạo đức, về tổ chức và cán bộ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây là "tư duy rất mới" của Đảng sau gần 40 năm đổi mới.

Song, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng về đạo đức cũng tồn tại nhiều hạn chế khi một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. 

"Cá biệt, có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí có cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu.

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên nhân căn bản của tồn tại, hạn chế là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.

Thực tế này đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện, mang tính phòng ngừa tích cực. Đây là một trong các lý do Bộ Chính trị ban hành Quy định 144.

Bình luận
vtcnews.vn