Số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ tại hội nghị mới đây cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức 84 tỷ USD. So với cuối năm 2019, con số này tăng 4 tỷ USD và là mức dự trữ ngoại hối cao nhất mà cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam từng mua được.
Đáng nói, việc Ngân hàng Nhà nước vẫn mua ròng được 4 tỷ USD trên thị trường từ đầu năm diễn ra trong bối cảnh đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường thế giới. Trong nước, tỷ giá USD/VND cũng có mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Theo đó, cuối tháng 3 vừa qua, có thời điểm tỷ giá USD trong nước qua kênh chính thức của các ngân hàng thương mại đã vượt ngưỡng 23.720 đồng/USD, tăng 1,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp can thiệp thị trường, tỷ giá đã có xu hướng hạ nhiệt, hiện phổ biến cao hơn 1,2-1,5% so với đầu năm.
Để kìm tỷ giá, cơ quan quản lý tiền tệ đã phải cùng lúc thực hiện 2 công cụ điều hành gồm hạ tỷ giá trung tâm và giảm giá bán USD tại các Sở giao dịch thấp hơn giá thị trường.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại có thể mua được USD tại Sở giao dịch NHNN với giá rẻ, qua đó đáp ứng các nhu cầu USD hợp pháp trên thị trường với giá vốn thấp hơn.
Tuy vậy, cơ quan quản lý vẫn hút ròng 4 tỷ USD trên thị trường từ đầu năm.
Với mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới, cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp, bình ổn thị trường, ổn định vĩ mô trong trường hợp cần thiết.
Thống đốc cũng cho biết NHNN đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước.
“NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi”, Thống đốc nói.
Trong các kịch bản kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Hiện tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết ở mức 23.221 đồng/USD (cuối ngày 11/4), trong đó giá bán tham khảo tại Sở giao dịch ở mức 23.175-23.650 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Trên thị trường chính thức, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại hiện phổ biến ở mức trên 23.500 đồng/USD, giảm 200-250 đồng so với cuối tháng 3.
Tuy dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định nhưng tăng trưởng tín dụng quý I của ngành ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong đó, đến cuối tháng 3, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,301 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 3,19%).
NHNN cũng cho biết các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất giảm 2-2,5% có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng vẫn có xu hướng giảm, dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.
Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng giải nguy các doanh nghiệp
Bình luận