VTC News trích đăng ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình về vấn đề này.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có những dự án quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại các địa phương như Quảng Ninh (Khu đô thị du lịch Hùng Thắng rộng 224 ha; Khu đô thị Hạ Long rộng 248 ha;…); Hải Phòng (Khu công nghiệp Nam Đình Vũ rộng 1.329 ha; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng 480 ha…); Đà Nẵng (Khu đô thị Đa Phước rộng 210 ha…).
Một số dự án lấn biển làm khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư cho lấn biển còn hạn chế, thể hiện rõ nét ở sự thiếu vắng quy hoạch lấn biển trong quy hoạch sử dụng đất của phần lớn các địa phương ven biển, sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan về lấn biển.
Hiện nay, các vấn đề liên quan tới lấn biển chưa được quy định một cách đầy đủ, có hệ thống trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nói cách khác, hành lang pháp lý cho lấn biển chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho việc triển khai và quản lý hoạt động lấn biển.
Từ việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về lấn biển trên tinh thần chung là xây dựng chính sách mở, nhất quán khuyến khích hoạt động lấn biển đảm bảo cân bằng giữa quản lý và kiến tạo trong lấn biển.
Cần luật hóa hoạt động lấn biển trong quá trình hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đất đai sửa đổi và các luật chuyên ngành liên quan khác. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo về chế độ quản lý, cơ chế giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất sau lấn biển, có tính đến nguồn vốn đầu tư cho dự án lấn biển.
Trên thực tế, các dự án lấn biển yêu cầu vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động tốt nguồn lực từ khối tư nhân để triển khai có hiệu quả. Do đó cần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công; dự án lấn biển sử dụng vốn hỗn hợp; dự án lấn biển theo phương thức đối tác công - tư…nhằm tạo khung khổ pháp lý huy động nguồn lực lớn phục vụ hoạt động lấn biển, đồng thời có các chính sách khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án lấn biển.
Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng quy hoạch lấn biển. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai phê duyệt và công bố quy hoạch tỉnh, thành phố.
Tính đến tháng 12/ 2023, 15/28 tỉnh, thành phố ven biển đã có quy hoạch tỉnh được công bố. Có tới 24 tỉnh, thành phố ven biển không có quy hoạch lấn biển trong đó có những tỉnh, thành phố đã triển khai những dự án lấn biển lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Rất cần đầu tư ngay nguồn lực tốt nhất cho các hoạt động khảo sát tổng thể tất cả các vùng biển có tiềm năng về lấn biển bao gồm đánh giá điều kiện khí hậu thủy văn, tài nguyên ven biển, tác động môi trường, thủy triều, dòng hải lưu, độ sạch của nước, độ lắng đọng của bùn, kết nối sông suối, kết nối hạ tầng, các di sản và vùng đệm, sinh kế của người dân, khối lượng đào đắp, dự kiến cơ cấu sử dụng đất, sử dụng mặt nước, ước lượng giá trị của nền kinh tế biển…
Trên cơ sở kết quả khảo sát, cần xây dựng quy hoạch lấn biển quốc gia, phân vùng, khu vực, khai thác tổng thể không gian ven bờ biển như: đô thị xanh, thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo rộng (AGI); giao thông (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt, đường hàng hải…); sản xuất điện xanh (mặt trời, gió, thủy triều, hải lưu); (iv) khai thác tài nguyên (dầu khí…); du lịch nghỉ dưỡng (khách sạn, khu vui chơi, giải trí…); (vi) khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu mậu dịch tự do…; ngư nghiệp (nuôi trồng và đánh bắt hải sản, rong biển, sản xuất muối…)...
Cần quan tâm tới việc hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật lấn biển trên cơ sở học hỏi, cập nhật kinh nghiệm tiên tiến của các nước.
Lấn biển là vấn đề không mới ở nước ta nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập liên quan cả từ góc độ chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện.
Vì thế, nghiên cứu, học hỏi thực tế từ các quốc gia có thế mạnh về lấn biển để tìm kiếm những giải pháp phù hợp, hiệu quả cho Việt Nam khi hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan là việc làm hết sức có ý nghĩa giúp phát triển không gian “mặt tiền” vô giá, khai thác bền vững, tối ưu hiệu quả kho báu biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, hàng hải của chúng ta.
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, diện tích lấn biển của thế giới đã đạt tới 2.500km2, tương đương diện tích quốc gia Luxemburg. Hoạt động lấn biển hiện nay đặc biệt phổ biến ở Đông Á, Trung Đông và Đông Nam Á.
Các quốc gia có biển đều đặc biệt quan tâm, khuyến khích việc lấn biển phù hợp để mở rộng diện tích, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia lấn biển từ sớm trong lịch sử, một số quốc gia có diện tích lấn biển lớn, giúp gia tăng đáng kể diện tích đất nước.
Đất lấn biển ở các quốc gia thường được quy hoạch, sử dụng cho xây dựng, phát triển các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật hoặc các công trình điểm nhấn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ví dụ lấn biển để xây dựng các đặc khu hành chính – kinh tế, khu kinh tế, khu mậu dịch tự do, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, bãi tắm, công viên, công trình tôn giáo…
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, lấn biển còn nhằm kiểm soát mực nước triều, chống triều cường, tăng khả năng thoát lũ hoặc dùng mặt biển làm không gian chứa nước ngọt cung cấp cho dân sinh và phát triển kinh tế ven biển.
Bình luận