Ngày 26/4, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an) đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.
Theo C67, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đã xuất hiện một số đối tượng vi phạm dùng các mối quan hệ để tác động xin xỏ, thậm chí chửi bới, lăng mạ, chống lại người thực thi công vụ hoặc giả danh phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng CSGT.
Cụ thể, trong thời gian gần đây tại tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận đã xảy ra việc một số đối tượng giả danh nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. C67 cho rằng việc này tuy không mới nhưng “phức tạp và khó lường”.
CSGT dừng xe một thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Những nội dung của văn bản này đang khiến bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu là từ sau khi có chỉ đạo thì công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ?
Bởi văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo, tuy nhiên ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu. Theo đó, quy định “đối tượng”, “quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cần phải làm rõ.
Không có “tật”, sao lại “giật mình”?
Gửi ý kiến của mình đến VTC News, độc giả Trang A Pao cho rằng, việc ghi hình CSGT của người dân cũng là một kênh tuyên truyền cho lực lượng, không nên “cấm”.
“Các anh là người gác cho sự bình yên của xã hội, là người giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, các anh hãy cứ thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, việc ai đó ghi âm, ghi hình những hình ảnh của các anh trong khi thi hành công vụ cũng là một kênh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của lực lượng” – độc giả Trang A Pao nói.
Cũng theo độc giả này, nếu CSGT có những hình ảnh chưa đẹp thì phải tự phê bình để rèn luyện, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
CSGT lập biên bản người vi phạm. Ảnh minh họa. |
“Chúng ta đang nỗ lực cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, công bằng; thi hành công vụ phải công khai minh bạch, tại sao các anh lại không dám công khai, minh bạch hoạt động của mình?” – Độc giả Pao đặt nghi vấn.
Từ lý do đó, độc giả Pao cho rằng, nếu cấm công dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ là đã tước đi quyền giám sát của người dân, dung túng cho hành vi tham nhũng của lực lượng này và đề nghị rút lại quy định này.
Phản hồi trên báo, độc giả Nguyễn Văn Hà cho rằng: “Cây ngay không sợ chết đứng, CSGT đàng hoàng thì sợ gì người khác quay phim; chụp hình. Cách ngăn cấm này; rõ ràng là ngụy biện; chỉ để che đậy và tránh bằng chứng cho việc nhũng nhiễu làm luật mà thôi”.
Bạn đọc Sao Mai cho rằng, nếu CSGT không làm gì sai thì tại sao phải sợ quần chúng nhân dân và nhà báo chụp ảnh? “Đáng lẽ việc làm này cần được khuyến khích, vì nó sẽ góp phần vào công việc phòng chống tiêu cực xảy ra trong ngành CSGT, nếu có, như vậy mới có một đội ngũ CSGT trong sạch, đem lại sư tin yêu cho người dân và có cái nhìn thiện cảm hơn với một hình ảnh CSGT, chứ không phải là một cái nhìn thiếu thiện cảm như hôm nay” – Bạn Sao Mai nói.
Trong khi đó, bạn đọc Phuc Minh khẳng định rằng, người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm, không thể có văn bản dưới luật lại trái ngược với luật.
“CSGT thay vì lo đối phó khi bị phanh phui những hành vi vi phạm pháp luật của lực lượng thì hãy tự sàng lọc và làm cho lực lượng CSGT ngày càng tốt lên” – bạn Phuc Minh nói.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, một phóng viên thuộc một báo Trung ương ở Hà Nội chia sẻ, thực tế khi phát hiện và phản ánh những tiêu cực của CSGT thì phải bí mật ghi hình làm chứng cứ, “nếu trước khi ghi hình tiêu cực mà phải xin phép thì liệu sự việc tiêu cực có được phản ánh đúng” – phóng viên đặt nghi vấn.
Nhiều độc giả khác cho rằng, chưa nói đến tiêu cực của CSGT mà người dân bắt gặp hình ảnh tốt của CSGT có được ghi hình hay không?
“Nếu ra đường tình cờ bắt gặp khoảnh khắc đáng ghi nhận của CSGT như cấp cứu người bị tai nạn hay dìu người tàn tật qua đường, cứu hộ người trong mưa bão… thì việc người dân ghi lại hình ảnh này chính là sự tuyên truyền cho lực lượng” – Bạn Ngọc Huy chia sẻ.
“Quay phim dễ gây ức chế cho người làm nhiệm vụ?”
Trong khi phần lớn ý kiến của người dân bày tỏ sự phản đối với quy định “cấm quay phim CSGT làm nhiệm vụ” thì một số khác bày tỏ sự thông cảm và cho rằng “cần phải cân nhắc điều này”.
“Tôi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trong môi trường nắng nóng, mưa rét rất khắc nghiệt, đôi khi còn phải chịu áp lực về phía người vi phạm, những lúc như vậy mà bị ghi hình thì dễ gây áp lực, ức chế cho họ” – bạn Nguyễn Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm với bạn Nguyễn Tuấn, bạn Trần Hoài Trang (Hà Nội) cho rằng, chúng ta không nên phản ứng gay gắt với quy định này, bởi mục đích của nó là hạn chế, ngăn chặn những kẻ có động cơ xấu, lợi dụng tiêu cực của CSGT để thực hiện ý đồ xấu.
“Thực tế có nhiều người dân, thậm chí giả danh nhà báo quay phim CSGT nhận hối lộ để tống tiền, bởi vậy, việc Cục CSGT tăng cường giám sát, ngăn chặn quay phim cũng không phải là vô lý. Theo tôi, C67 cần phải có lý giải và xác định rõ ràng những ai được và không được ghi hình CSGT để tránh dư luận hiểu nhầm” – bạn Trần Hoài Trang chia sẻ.
Bày tỏ ý kiến của mình, độc giả Nguyễn Văn Phương (Hà Nội) cho rằng, việc CSGT hay lực lượng thi hành công vụ là phải được bảo vệ, trong đó có việc hạn chế những người quay phim với ý đồ xấu.
“Ở nước ngoài, luật quy định rất rõ, ví dụ như anh có ý đồ không chấp hành, chống đối hoặc quay phim với mục đích khiêu khích, bôi nhọ hình ảnh cảnh sát… đã có thể bị bắt giữ hoặc bị kiện” – độc giả Phương nói.
Từ đó, độc giả Phương cho rằng, quy định để hạn chế tiêu cực là tốt song Cục CSGT cần có quan điểm và giải thích rõ ràng với người dân để đạt được mục đích tốt đẹp.
Bạch Dương
Bình luận