• Zalo

Du lịch Thái Nguyên: Sắc màu mới trên bản đồ du lịch Việt Nam

Kinh tếThứ Ba, 27/08/2019 16:03:00 +07:00Google News

Theo thống kê, năm 2018, Thái Nguyên đón khoảng 2,5 triệu khách du lịch ghé thăm, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói đem về cho tỉnh là 405 tỷ đồng.

Dù không sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng nét duyên của vùng trung du miền núi Bắc Bộ đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nơi hội ngộ của cảnh sắc và văn hóa dân tộc

Cách Hà Nội 80km, giáp 6 tỉnh thành cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền Thủ đô và các tỉnh lân cận, Thái Nguyên sở hữu lợi thế về vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như hành khách ít nơi sánh bằng. Tài nguyên thiên nhiên phong phú và sự hội tụ văn hoá dân tộc cũng là một trong những lợi thế hàng đầu để phát triển du lịch ở Thái Nguyên.

Dù không được nhiều ưu ái với những thắng cảnh nổi bật nhưng cảnh sắc Thái Nguyên vẫn thu hút du khách bởi những nét duyên ngầm, hoà quyện giữa cổ kính nên thơ và dịu dàng mơ mộng.

Nhắc đến Thái Nguyên là nhắc các địa danh nổi tiếng như Khu du lịch Hồ Núi cốc, khu du lịch sinh thái Thái Hải, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK (An toàn khu) Định Hoá, Suối Mỏ Gà, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm, chùa Hang, chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn.

Người Thái Nguyên tự hào có một kho tàng văn hóa phi vật thể da dạng, phong phú với hàng trăm di sản đã được kiểm kê, khôi phục, bảo tồn, trong đó có nhiều di sản được xếp hạng cấp quốc gia như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày Định Hoá; hát Soọng Cô của người Sán Dìu Đồng Hỷ; múa Tắc Xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao …

Từ sau Festival Trà năm 2011 đến nay, Thái Nguyên mở rộng du lich sinh thái - trải nghiệm tại những vùng chè ở La Bằng, Vô Tranh, Tức Tranh, Minh Lập, Tân Cương… và gần 80 lễ hội có quy mô khác nhau được tổ chức chủ yếu tại các đền, đình, chùa, khu di tích.

Một số lễ hội tiêu biểu, có quy mô lớn, thu hút được hàng vạn lượt người tham gia mỗi dịp xuân về, như: Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối; chùa Hang; lễ hội Lồng Tồng ATK; đền Đuổm.

3df960e51696f1c8a887

 

Bước nhảy vọt của du lịch Thái Nguyên

Ông Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhờ việc tạo ra các sản phẩm du lịch và tăng cường tuyên truyền, quảng bá, những năm gần đây khách du lịch đến với Thái Nguyên tăng cao.

Năm 2016, tỉnh đón gần hai triệu khách, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Đến năm 2018, con số này là 2,5 triệu khách, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2017. Ngành du lịch của tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động trực tiếp.

Mặc dù đạt được sự tăng trưởng khá ấn tượng, song lượng khách đến với Thái Nguyên vẫn chưa phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Doanh thu từ du lịch còn thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu tính đến năm 2020 sẽ đón khoảng 3,6 triệu khách du lịch; giai đoạn 2021- 2030 tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/ năm, đóng góp 6% GRDP, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, những năm gần đây, nhất là từ năm 2018 đến nay, tỉnh chú trọng thu hút những nhà đầu tư lớn, với khoảng 20 nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đang đầu tư vào khu du lịch hồ Núi Cốc với mục tiêu xây dựng khu du lịch này gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện tự nhiên, văn hóa và khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn.

Cac-dia-diem-du-lich-o-Thai-Nguyen-khong-the-bo-qua-5-1548758706-693-width500height370 3

 

Doanh nghiệp này hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên xứng tầm là khu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh và khu vực phía bắc. Hiện nay, đường Bắc Sơn kéo dài với vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng đang được khẩn trương xây dựng với để rút ngắn thời gian, khoảng cách từ Hà Nội, TP Thái Nguyên vào các khu du lịch của tỉnh.

Hiện tại, một số dự án phát triển du lịch khác đang được tập đoàn lớn nghiên cứu như: dự án về du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn năm sao, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cáp treo từ tây sang đông Tam Đảo để kết nối khu du lịch Tam Đảo với hồ Núi Cốc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang triển khai Đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên nhằm kết nối thông tin, dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lấy người dân, du khách làm trọng tâm.

Cùng với nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng, tỉnh quy hoạch ba sân gôn, nghiên cứu xây dựng đường du lịch ven hồ Núi Cốc; đường từ km 31 trên quốc lộ 3 vào Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.

Với nỗ lực đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch với phương thức đa dạng, nội dung phong phú, Thái Nguyên hướng đến xây dựng xây dựng một cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn