Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các tỉnh, thành phố miền Trung như Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã có sự chuẩn bị chu đáo từ rất nhiều tháng để đưa ngành du lịch, dịch vụ trở lại ấn tượng.
Khách chọn miền Trung
Từ Mồng 5 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, gia đình chị Trần Thị Nhung (trú Quảng Bình) thực hiện tour du lịch 6 ngày tại 3 tỉnh, thành là Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Chị Nhung dự tính sẽ tham quan, du lịch tại mỗi địa phương 2 ngày và sẽ chọn những địa điểm nổi tiếng để du xuân.
Theo chị Nhung, các địa phương miền Trung là sự lựa chọn hợp lý nhất cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.
“Dù tình hình dịch còn diễn biến khá phức tạp nhưng mình cũng không phải quá lo lắng vì tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã phủ gần như 100% với người trong độ tuổi theo quy định. Hơn nữa, dịp này các tỉnh, thành miền Trung đang có nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch nên mình tiết kiệm được một khoản kinh phí đáng kể”, chị Nhung cho biết.
Không đi nhiều địa phương, gia đình anh Trần Văn Hoạt (trú TP Vinh, Nghệ An) chỉ chọn Đà Nẵng để du lịch trong những ngày đầu năm mới với phương tiện là ô tô cá nhân.
Để chuẩn bị cho chuyến du lịch này, từ trước Tết Nguyên đán, anh Hoạt đã liên hệ đặt phòng tại khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp và dự tính sẽ lưu trú 4 ngày tại đây.
“Lúc đầu tôi cũng khá phân vân nhưng khi vào Đà Nẵng, thấy công tác phòng chống dịch của khách sạn thực hiện tốt, các dịch vụ chu đáo nên rất yên tâm. Gia đình sẽ du xuân, nghỉ dưỡng 4 ngày tại Đà Nẵng”, anh Hoạt cho biết.
Hy vọng ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng, Đà Nẵng, Quảng Nam lại là điểm đến hấp dẫn đối với du khách
Tương tự, gia đình anh Vũ Hoài (trú TP.HCM) cũng chọn Quảng Nam và Đà Nẵng để thực hiện chuyến du lịch kéo dài 7 ngày. Sau 3 ngày lưu trú tại Hội An (Quảng Nam), ngày 8/2 gia đình anh di chuyển ra Đà Nẵng để tham quan Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà) và Khu du lịch suối khoáng nóng Thần Tài.
Anh Hoài cho biết khá bất ngờ khi lượng du khách đổ về miền Trung lại đông đúc, ngoài sự tưởng tượng của anh trước khi đi.
“Thật mừng vì du khách đã trở lại miền Trung sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Gia đình tôi dự định du lịch Đà Nẵng mấy lần nhưng rồi lại hủy vì dịch. Bây giờ các địa phương thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt, mở cửa phục hồi du lịch bắt đầu từ đầu năm 2022 là đúng thời điểm. Hy vọng ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng, Đà Nẵng, Quảng Nam lại là điểm đến hấp dẫn đối với du khách”, anh Hoài bày tỏ.
Ghi nhận của PV VTC News, đã kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng những ngày qua, dù không tấp nập như những ngày Tết, lượng du khách trong nước đổ về các tỉnh, thành miền Trung vẫn khá đông.
Tại các điểm tham quan, khu du lịch nổi tiếng như Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), các lăng tẩm, Kinh thành Huế hay Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn thu hút khách tham quan, du xuân.
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế, khách đến Huế chủ yếu là đi theo gia đình, từ Hà Nội, TP.HCM và khách khu vực miền Trung. Huế thu hút lượng khách lớn do kỳ nghỉ Tết âm lịch năm nay dài ngày, khách dễ sắp xếp chuyến du lịch xa.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là sự thích nghi dần trở lại trong tâm lý của du khách và sự bị kìm nén quá lâu, khách đã tiêm vaccine và điểm đến, cơ sở phục vụ cũng đã được phủ vaccine.
Màn “tổng duyệt” ấn tượng
Du lịch miền Trung trở lại và sự trở lại ấn tượng nhất trong số này phải kể đến Thừa Thiên-Huế. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, từ ngày 28/1 đến hết ngày 5/2 (từ 26 đến ngày Mồng 5 Tết Nguyên đán) có hơn 58.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích và các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, tăng 286% so với Tết Âm lịch năm 2021.
Trong tháng 3 tới, Đà Nẵng sẽ khôi phục lại tất cả các chuyến bay và các hoạt động du lịch.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Trong đó, tín hiệu rất đáng mừng và đầy lạc quan là có khoảng gần 1.000 lượt khách quốc tế đến Huế cùng một số tour khách nội do các đơn vị lữ hành tổ chức.
Trong dịp Tết, nhu cầu khách đặt phòng và nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp rất cao, có những điểm đạt đến 100% công suất buồng phòng như Alba Thanh Tân, Vedana Lagoon 93,2%, Làng Hành Hương 70,5%. Các khách sạn nhỏ, homestay tại Huế cũng đạt công suất bình quân từ 50 - 70%
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho rằng, đây là tiền đề để du lịch Huế tăng cường quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng và mới được xây dựng đến với du khách trong và ngoài nước.
“Tận dụng cơ hội này ngành du lịch Thừa Thiên-Huế sẽ rà soát lại toàn bộ dịch vụ du lịch, đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trong an toàn, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn trong trạng thái bình thường mới”, ông Giang cho biết.
Còn theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tổng khách tham quan, du lịch tại thành phố ước đạt gần 36.000 lượt, tăng 16,71% so với năm 2021, chủ yếu là khách nội địa.
Trong đó, khách lưu trú khoảng 25.500 lượt, tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ven biển và tham quan các khu, điểm du lịch như khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên nước Mikazuki, bán đảo Sơn Trà.
Cũng theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp đầu năm 2022, các đơn vị tổ chức đón các đoàn khách tham dự sự kiện, hội nghị, tri ân, khách đi công tác ngắn ngày. Các đơn vị lữ hành chủ yếu xây dựng các tour nội vùng (nội thành Đà Nẵng và giữa Đà Nẵng-Quảng Nam, Đà Nẵng-Huế-Quảng Nam), bao gồm các tour ngắn ngày, đi về trong ngày, staycation tại các khách sạn, resort 5 sao có giá tốt và đang mở cửa tại Đà Nẵng, Hội An.
Theo Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế - Sân bay Đà Nẵng, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 29/1 đến 6/2/2022), Đà Nẵng đón 404 chuyến bay.
Tại buổi thăm, chúc Tết Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế - Sân bay Đà Nẵng ngày 8/2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 3 tới, Đà Nẵng sẽ khôi phục lại tất cả các chuyến bay và các hoạt động du lịch.
Không chỉ Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, tại Quảng Bình, tuy kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đã kết thúc nhưng nhiều du khách vẫn đổ về các địa điểm du lịch như Phong Nha - Kẻ Bàng, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tham quan.
Ghi nhận của PV, tại Phong Nha - Kẻ Bàng, trong các ngày 7 và 8/2, trung tâm này đón rất nhiều du khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Mặc dù lượng khách tăng mạnh trở lại nhưng công tác quản lý, thực hiện các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 vẫn được chú trọng.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, trung tâm đón hơn 9.000 du khách đến.
“Đây là tín hiệu vui, mở ra hy vọng về sự phục hồi, tăng trưởng trở lại của ngành Du lịch Quảng Bình trong năm 2022”, ông Thắng kỳ vọng.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Bình luận