Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, số lượng khách du lịch của Việt Nam giảm mạnh. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương giảm tới 60-70%.
Trả lời VTC News, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc từ trước đến nay là thị trường chiếm số du lượng khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.
Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, với hơn 70% tổng lượt khách quốc tế năm 2019.
Trong khi đó, đại diện Công ty lữ hành Kim Liên (Đà Nẵng) cho biết, tổng số lượng khách du lịch mà đơn vị này phải hủy tour do virus corona đã lên đến 10.000 người. Công ty cũng phải hoàn trả lại tiền 100% cho khách đặt tour và xác định doanh thu quý I bằng 0. Hiện nay công ty cũng đang cho nhân viên nghỉ việc hai tuần vì không có khách.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, những khó khăn đối với ngành du lịch Việt Nam vẫn đang tiếp tục kéo dài. Đây là thời điểm các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn nợ vay ngân hàng và miễn giảm thuế.
Các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM cũng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến cũng giảm 30-50%. Những tổn thất của ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng có thể còn tăng khi tình hình dịch bệnh chưa được đẩy lùi. Hà Nội hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở này đều xác nhận khó khăn, thách thức lớn khi dịch bệnh nCoV tiếp diễn.
Theo ông Vũ Thế Bình, kinh nghiệm từ hồi xử lý dịch bệnh SARS cho thấy du lịch là ngành đầu tiên bị tác động ảnh hưởng nặng nhất. Điều này cũng cảnh báo đối với cơ quan quản lý du lịch không nên phụ thuộc quá vào một thị trường.
Đưa ra các giải pháp trước mắt, theo ông Bình, cần xây dựng chương trình kích cầu, đặc biệt là kích cầu du lịch nội địa. Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho rằng trước mắt, các doanh nghiệp cần xây dựng và dự kiến thời điểm tổ chức hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Du lịch nội địa sẽ là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc.
Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh, không nhất thiết phải đóng cửa tất cả các địa điểm du lịch ở Việt Nam, thay vào đó cần khuyến nghị khách du lịch tuân thủ nghiêm quy định để phòng chống bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Bình luận