Thái Minh Thư (sinh năm 2000) đang là sinh viên năm cuối ngành marketing tại Nhật Bản. Năm 2018, Thư lên đường du học sau khi nhận được học bổng hỗ trợ 50% học phí của trường Đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (Kyushu, Nhật Bản).
Để trang trải 50% học phí còn lại và chi phí sinh hoạt, 4 năm qua, Thư trải qua rất nhiều công việc làm thêm. Đang đang là sinh viên năm cuối, Thư cùng lúc làm 3 công việc là dọn bồn tắm onsen, gia sư, phụ bếp tại viện dưỡng lão để trang trải cuộc sống.
“Thời điểm em nhập học cũng là lúc gia đình em khó khăn về tài chính. Em tự ý thức bản thân phải cố gắng làm việc để đỡ đần cho ba mẹ”, Minh Thư tâm sự.
Để được làm thêm tại Nhật, Minh Thư phải nộp hộ chiếu và thẻ ngoại kiều cho nhà trường để xin dấu mộc cấp phép đi làm từ Cục xuất nhập cảnh của Nhật. Sau 2 tuần, em được trả lại thẻ ngoại kiều với một dấu mộc cho phép làm không quá 28 tiếng/ tuần. Tiếp đó, em làm thẻ ngân hàng, đăng ký sim mới để thuận tiện cho quá trình điền CV.
Có ba cách phổ biến để tìm việc làm thêm tại Nhật là: Nhờ anh chị khóa trên giới thiệu, nộp CV trực tiếp hoặc xin qua các ứng dụng hay website tuyển dụng. Hầu hết công việc mà em có được đều theo cách đầu tiên – anh chị khoá trên giới thiệu.
“Em thường tham gia nhóm cộng đồng do học sinh trường lập để có sự kết nối với các anh chị khoá trước. Khi quen các anh chị và được giới thiệu chỗ làm thêm các anh chị từng làm thì khả năng được nhận việc lên tới 90%. 10% còn lại phụ thuộc vào khả năng tiếng Nhật của mỗi người thể hiện trong vòng phỏng vấn”, 10x nói.
Minh Thư thường thức dậy lúc 7h sáng để chuẩn bị bữa sáng và vệ sinh cá nhân. Xong xuôi, 10x chuẩn bị đồ và đạp xe 20 phút tới nhà tắm onsen để kịp ca làm lúc 8h30.
Dọn bồn tắm onsen là công việc đầu tiên của Minh Thư tại xứ sở hoa anh đào, đây cũng là công việc mà em gắn bó lâu nhất. Nhờ một người người anh khóa trên giới thiệu, 10x đã được nhận vào làm tại nhà tắm onsen ở thành phố Beppu.
Minh Thư làm công việc cọ rửa 2 bồn tắm và 1 bồn ngâm chân; lau dọn kệ tủ để đặt quần áo và đồ dùng cá nhân; xếp khăn lau chân. Cực nhất là vào những ngày lạnh dưới 5 độ C, tay Thư bị cóng và rát khi phải nhúng nước lạnh trong thời gian dài.
“Cũng có lúc công việc vất vả, nhưng rồi em tự động viên mình, làm việc ở đây nhận được nhiều hơn mất. Ngoài việc kiếm được khoản chi phí trang trải cuộc sống, em còn có cơ hội trải nghiệm một công việc đặc biệt tại Nhật, được trau dồi kỹ năng giao tiếng tiếng Nhật, được rèn tính cẩn thận, tỉ mỉ. Em còn được tắm onsen miễn phí”, Minh Thư nói.
Phòng tắm onsen nơi Minh Thư làm việc. (Ảnh: NVCC)
Kết thúc ca làm, Thư bắt xe buýt đến trường để kịp giờ học lúc 10h35. Đến 15h, nữ sinh lên xe buýt đến viện dưỡng lão để làm công việc phụ bếp và trở về nhà lúc 21h. Tối những ngày cuối tuần (từ Thứ 6 đến Chủ nhật),Thư dạy tiếng Việt cho một bạn học sinh Nhật có ý định đi du học Việt Nam.
Thư còn tranh thủ làm thêm một số công việc như dịch thuật, viết bài, làm hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là những công việc thời vụ và không mang lại mức thu nhập ổn định cho em.
Có ngày ngoại lệ, 10x về đến nhà vào thời điểm chuẩn bị sang ngày mới. Kiệt sức sau một ngày làm việc, Thư ăn tạm chiếc bánh ngọt rồi tắm rửa, lên giường đi ngủ để chuẩn bị sức cho “vòng quay công việc” vào 7h sáng hôm sau. “Có thời điểm em bị stress nặng, tăng cân phát phì vì làm việc quần quật và ăn uống nghỉ ngơi thất thường”, nữ sinh tâm sự.
Dù làm nhiều công việc một lúc, nhưng mức lương khoảng 1.000 yên Nhật/giờ làm (khoảng 200 nghìn đồng) cho tất cả các công việc, Minh Thư chỉ có vừa đủ số tiền để chi trả cho chi phí sinh hoạt và học phí.
Mỗi tháng, nữ sinh chủ động liệt kê các khoản cần chi và chia tiền ra từng bì thư nhỏ để tiện cho việc quản lý chi tiêu. Em cũng hạn chế ăn hàng quán và chỉ cho phép bản thân chi 8.000 yên Nhật (khoảng 1,5 triệu đồng) cho việc ăn uống hàng tháng.
“Ngày ở Việt Nam em không biết bố mẹ kiếm tiền vất vả nhường nào. Giờ sau 4 năm du học, em biết cách kiếm tiền, tiết kiệm tiền, biết cân đo đong đếm để xoay sở cuộc sống bên này. Bây giờ, trong ví có bao nhiêu đồng xu lẻ em cũng nắm rõ”, Minh Thư nói.
Dù làm thêm nhiều công việc một lúc, Minh Thư vẫn luôn ưu tiên việc học lên hàng đầu. Em sắp xếp, hoàn thành tất cả bài tập trên lớp để có thời gian đi làm thêm và đăng kí học dồn để tiết kiệm thời gian. Em cũng luôn duy trì điểm GPA trên 3.0/4.0 và nhận được học bổng học tập cho sinh viên có thành tích học tập tốt, hăng hái tham gia nhiều hoạt động, phong trào.
Những ngày tháng năm cuối đại học, Minh Thư dần giảm bớt thời gian đi làm thêm để tập trung tìm một công việc lâu dài trong lĩnh vực marketing tại Nhật Bản.
Bình luận