Theo khảo sát của các chuyên gia, thị trường bất động sản tại TP.HCM tính từ thời điểm đầu năm 2021 tới hiện tại vẫn còn quá ít dự án được công bố ra thị trường. Chính vì điều này khiến cho thị trường bất động sản TP.HCM đang lâm vào tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở.
Thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy nhiều tín hiệu lạc quan trong việc "khơi thông" nguồn cung dự án mới. Những trở ngại pháp lý, thời gian cấp phép kéo dài khiến nguồn cung dự án mới "tắc nghẽn". Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân TP.HCM ngày càng lớn, từ đó gián tiếp khiến giá bán nhà đất ở đây tăng cao.
Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đổ bộ về các tỉnh lẻ để tìm cơ hội phát triển, khiến cho giá bán đất nền tăng mạnh khi lượng dự án bất động sản cũng không nhiều.
Dự báo về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2022, đại diện Công ty Cổ phần DKRA Vietnam (DKRA Vietnam) nhận định, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền sẽ tiếp tục duy trì sự khan hiếm như năm 2021.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở TP Thủ Đức. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường, trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Căn hộ hạng sang tăng mạnh và có thể xác lập mặt bằng giá mới.
Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự năm 2022 duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021. Khu Đông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung của loại hình bất động sản gắn liền với đất.
Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 15 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Còn theo TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), bất động sản sẽ tiếp tục là kênh tích sản được yêu thích trong tương lai.
Năm 2022 là năm tích cực với thị trường bất động sản bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất là pháp lý, do có sửa nhiều luật như Luật Đất đai; Thứ 2 là quy hoạch giao thông, hạ tầng.
Lý giải nguyên nhân quy hoạch, ông Thành cho biết do cứ theo kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), năm thứ hai sẽ thực hiện nhanh hơn về hạ tầng. Một yếu tố quy hoạch khác do các tỉnh, thành thực hiện các quy hoạch trung tâm - thực chất là những đô thị kiểu mới.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý một số rủi ro của thị trường bất động sản hiện nay. Đầu tiên là rủi ro về tài chính, khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, nhưng ở Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn đánh giá về độ tín nhiệm của trái phiếu.
Ngoài ra, bất động sản hiện đang trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý, những giao dịch mang tính rủi ro sẽ bị xử lý khi pháp luật bất động sản đang quá độ và hoàn thiện.
Do đó, nếu muốn đầu tư vào đâu thì cần nhìn 4 yếu tố: Kết nối và tiềm năng kết nối; Sự quan tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương; Sự quan tâm của “đại bàng”, nhà đầu tư lớn; Tiềm năng phát triển của vùng đất.
Bình luận