• Zalo

Dự báo kinh tế thế giới 2016: Vẫn 'sáng' dù đang đứng trước nguy cơ suy thoái

Kinh tếThứ Ba, 20/10/2015 01:11:00 +07:00Google News

Kinh tế thế giới được dự báo vẫn tăng trưởng trong năm 2016, dù kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ có thể rơi vào cuộc suy thoái mới

(VTC News) - Dù kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ có thể rơi vào cuộc suy thoái mới thì các cơ quan dự báo uy tín nhất, trong đó có IMF vẫn có những cái nhìn lạc quan vào sự tăng trưởng trong năm 2016.

Những "vết thương" của kinh tế thế giới năm 2015

Số liệu thương mại tháng 9/2015 của Trung Quốc mới đây vừa được công bố mới đây đã khiến các chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nước này.


Theo đó, xuất khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc đã giảm 1,1%, đồng nghĩa với việc đang có sự suy giảm về nguồn cầu trên thế giới và sự gia tăng những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã thay thế những ngành chủ chốt như xuất khẩu, bất động sản bởi các lĩnh vực mới như bán lẻ và dịch vụ cá nhân. Tuy nhiên, kinh tế của quốc gia này trên thực tế đã giảm tốc nhanh và mạnh hơn cả những dự đoán của các chuyên gia, khiến cho chính quyền cũng không đưa ra được những giải pháp ứng phó kịp thời.

Để rồi từ đó đã xuất hiện những "cơn sóng" biến động tác động lên thị trường trong nước cũng như trên toàn thế giới.
Dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu lan sang nhiều nền kinh tế khác, trong đó có cả Mỹ - Ảnh minh họa
Trong tháng 7/2015, xuất khẩu của nước này đã giảm gần 9%. Để hỗ trợ kích tăng xuất khẩu mà ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ trong tháng 8 vừa qua, thế nhưng kết quả vẫn không cho thấy được sự cải thiện đáng kể.

Những dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có lẽ đang bắt đầu lan sang nhiều nền kinh tế khác, trong đó có cả Mỹ, dù nền kinh tế số 1 thế giới này đã có nhiều cải thiện lớn từ sau cuộc khủng hoảng 2007 đến nay.

Chuyên gia Chris Williamson của hãng Markit nhận định ngành sản xuất của Mỹ trong những tháng gần đây có dấu hiệu giảm tốc do đồng USD tăng giá, tình trạng suy giảm nhu cầu trên toàn cầu cũng như đà tăng chậm lại trong đầu tư kinh doanh và tài chính.

Bên cạnh đó, báo cáo thị trường việc làm tháng 9/2015 của Mỹ cũng không được khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10/1977 và theo lý thuyết, mức lương cho người lao động sẽ tăng, nhưng trong báo cáo trên cho thấy điều này vẫn chưa xảy ra.

Theo trang Business Insider nhận định, rất có khả năng xu thế tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang dần chậm lại và bắt đầu chuyển hướng đi xuống.

Ngoài ra, các nền kinh tế lớn khác như Nga, Canada và Brazil đã phải trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Một số nước khác như Na Uy, Phần Lan và Australia cũng đang lâm vào tình trạng tương tự.

Dự báo "sáng sủa" cho kinh tế thế giới năm 2016

Chuyên gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management cho rằng kinh tế thế giới đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái, bởi chu kỳ suy thoái và tăng trưởng đan xen lẫn nhau là vào khoảng 7-8 năm.

Chu kỳ này đã diễn ra như vậy trong suốt 50 năm qua với đợt suy thoái gần đây nhất là vào năm 2007-2008.


Tuy nhiên trong bản báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu 2015 - 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cơ quan này vẫn đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và đạt 3,6% trong năm 2016, dù những con số này thấp hơn so với những con số trong dự báo đưa ra trước đó.
Bảng số liệu dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của Bloomberg, IMF, OECD và World Bank trong các năm 2014, 2015 và 2016
Theo trang Business Insider, IMF dự báo cụ thể rằng ở khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng nhẹ ở mức 1,6% so với năm 2015, và sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010.

Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ tăng nhẹ 2,8%, làm cho tốc độ tăng trưởng hàng năm của nước này đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2005.

Trong khi đó IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2015 xuống 0,6% và năm 2016 xuống 1%.

Các nền kinh tế bị IMF hạ thấp triển vọng tăng trưởng mạnh nhất là các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang trong thời kỳ suy thoái như Brazil, Nga, và Canada. Trong số này, nền kinh tế được dự báo sẽ có tăng trưởng trong năm 2016 chỉ có duy nhất Canada.

Bên cạnh dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới, IMF đã đưa ra dự báo về sự gia tăng lạm phát toàn cầu, từ 0,3% năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 1,2% vào năm 2016.

Trên thực tế, hầu hết các cơ quan dự báo, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) hay Bloomberg, đều có những cái nhìn khá lạc quan về một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn trong năm 2016.

Trong số đó, các nhà đầu tư thế giới vẫn chú ý nhất tới những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do cơ quan này luôn có những dự báo về tăng trưởng và lạm phát toàn cầu tốt hơn so với các ngân hàng trung ương khác, ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh hay Ngân hàng Trung ương châu Âu...

Tuy nhiên, thị trường thế giới hiện nay lại đang bị "ám ảnh" khá nặng bởi các quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong khoảng thời gian gần đây.

Cụ thể như cổ phiếu trên toàn thế giới, được đo bằng chỉ số MSCI World Index AC, đã giảm 6% ngay sau khi Fed công bố giữ nguyên mức lãi suất vào ngày 17/9 do những lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Để rồi sau đó, các mã cổ phiếu lại bất ngờ tăng trở lại khi cuộc họp mới nhất vào đầu tháng 10 vừa qua cho thấy, không có tác động nào làm thay đổi những quan điểm của Fed và lãi suất có thể sẽ sớm được nâng lên.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm thì IMF vẫn có dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ tốt hơn Fed đến 7 năm, nhưng cũng không có nghĩa là các dự báo của IMF lúc nào cũng chính xác. Lý do là bởi đã là dự báo thì không bao giờ có sự chắc chắn.

Nhưng các chuyên gia thế giới tin rằng, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau bốn năm suy thoái liên tục ở các nền kinh tế lớn (2011-2014).

Với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhanh hơn, doanh số của các công ty sẽ khấm khá hơn, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập nhanh hơn và sẽ tạo một cú hích lớn cho thị trường chứng khoán của thế giới so với năm 2015.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn