Năm 2017, khi Real Madrid, Atletico và Barcelona thể hiện sức mạnh ở Champions League, cựu HLV huyền thoại của Manchester United Sir Alex Ferguson khẳng định sự thống trị của La Liga ở châu Âu chỉ mang tính chu kỳ. Chiến lược gia người Scotland đánh giá với sự già hơn (hoặc rời đi) của Messi lẫn Ronaldo, thế thống trị của các CLB Tây Ban Nha tại Champions League sẽ kết thúc.
Nhận định của Sir Alex cũng chỉ phản ánh một phần đà sa sút của La Liga tại Champions League. Cách quản trị đội bóng và tiềm lực kinh tế của các CLB Tây Ban Nha sau cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh là lý do khác khiến họ tụt lại phía sau.
Sự đi xuống
Trong giai đoạn từ mùa 2013/14 đến 2017/18, tất cả chức vô địch Champions League đều thuộc về những đại diện La Liga. Hơn nửa thập niên qua, các trận bán kết và chung kết của Champions League thường xuyên góp mặt những CLB xứ bò tót.
Ở Europa League trong cùng thời điểm, chỉ hai lần các đại diện từ Tây Ban Nha không lên ngôi cao nhất. Đó là năm 2017 và 2019, khi Man United và Chelsea vô địch giải đấu hạng hai cấp CLB châu Âu. Mọi thứ giờ thay đổi.
Về lý thuyết, La Liga có thể chứng kiến 3 đại diện góp mặt ở vòng 16 đội Champions League mùa này. Sau khi Real Madrid và Atletico giành vé đi tiếp, Villarreal có thể là đội bóng tiếp theo điền tên mình vào vòng knock-out Champions League.
Nhà đương kim vô địch Europa League sẽ có trận đấu quyết định với Atalanta tại vòng bảng Champions League vào rạng sáng 10/12 (giờ Hà Nội). Tuy nhiên, đội bóng của HLV Unai Emery sa sút không phanh kể từ đầu mùa, trong khi đối thủ Atalanta của họ lại có phong độ cao.
Việc cả Barcelona lẫn Sevilla bị loại sớm từ vòng bảng Champions League 2021/22 cho thấy sự đi xuống của các bóng đá Tây Ban Nha cấp CLB. Những niềm hy vọng lớn nhất của La Liga tại châu Âu lúc này là hai CLB thành Madrid, Real và Atletico.
Nhưng Atletico cũng chơi không ấn tượng kể từ đầu mùa và gặp nhiều vất vả ở lượt đấu cuối. Real Madrid trình diễn bộ mặt sáng sủa nhất so với các CLB đồng hương. Thế nhưng, theo quan sát của giới chuyên môn, họ vẫn bị đánh giá thấp hơn Bayern, PSG hay các CLB của Ngoại hạng Anh.
Kể từ khi Ronaldo rời sân Bernabeu vào mùa hè 2018, ánh hào quang của Real Madrid tại Champions League mất đi. Với Barcelona, đội bóng xứ Catalonia thậm chí phải xuống chơi ở Europa League, giải đấu họ không tham dự trong 17 năm qua.
"Barcelona không thuộc về Europa League", HLV Xavi nói sau trận thua Bayern Munich 0-3. "Mọi thứ với Barca giờ đã khác. Chúng tôi phải bắt đầu lại từ con số 0".
Xavi từng góp mặt trong đội hình Barca dự Cúp C2 châu Âu (nay gọi là Europa League) mùa 2003/04. Bây giờ tình hình Barca còn tệ hơn nhiều so với thời điểm đó. Đội chủ sân Camp Nou giờ tìm đâu ra người thay thế Messi?
Dự báo của Sir Alex về việc La Liga đi xuống sau khi Messi lẫn Ronaldo rời đi ứng nghiệm phần nào. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng quan của bức tranh, La Liga xuống từ hai mùa giải trước, khi các CLB Tây Ban Nha không còn duy trì tiềm lực kinh tế như trước đây.
Nền tảng tài chính
Trước trận Barca thua Bayern Munich 0-3, trung vệ Gerard Pique công khai thừa nhận sự khác biệt lớn nhất giữa hai CLB nằm ở cách quản trị đội bóng. "Đơn giản, Bayern được vận hành tốt hơn chúng tôi", trung vệ của Barca nói.
Đó là vấn đề của Barca, một trong hai CLB mạnh nhất Tây Ban Nha nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngay cả Real Madrid, CLB có một lãnh đạo tài năng như Florentino Perez cũng cảm thấy gánh nặng sau cuộc khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh vừa qua.
2 năm qua, Real Madrid chỉ bỏ 31 triệu euro mua cầu thủ, nhưng đã thu về 179,5 triệu euro từ việc bán người (tính toán từ Transfermarkt). Đội chủ sân Bernabeu qua cái thời có thể vung tiền thoải mái trên thị trường chuyển nhượng để chiêu mộ những cầu thủ giỏi nhất.
Để có tiền mua Kylian Mbappe, Real Madrid phải bán hàng loạt những cái tên như Raphael Varane, Martin Odegaard hay Achraf Hakimi. Atletico sau chức vô địch La Liga 2020/21 cũng không dám chi mạnh tay. Bản hợp đồng lớn nhất mà họ thực hiện ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 là tiền vệ Rodrigo de Paul với giá 35 triệu euro.
Trong khi đó, Sevilla hay Villarreal đều chi tiêu dè xẻng trên thị trường chuyển nhượng. Sevilla chỉ thực chi 10 triệu euro mua cầu thủ hè rồi. Villarreal chi hơn 46 triệu euro mua người, dù vừa vô địch Europa League 2020/21.
Thống kê vào tháng 9 của CIES chỉ ra trong 3 kỳ chuyển nhượng gần nhất của bóng đá châu Âu, La Liga nhận 200 triệu euro tiền lời. Họ thu về 937 triệu euro tiền bán cầu thủ, chi ra 737 triệu euro để chiêu mộ tân binh.
Theo thống kê từ Deloitte, hơn 75% các CLB của La Liga có mức chi tiêu chuyển nhượng bằng 0 (hoặc có lãi) trong mùa hè 2021 và quỹ lương ngang bằng với các CLB Championship (giải hạng Nhất) của bóng đá Anh.
Số tiền thực chi cho chuyển nhượng của La Liga 3 năm qua kém cả Bundesliga, Serie A và Premier League. Những tay đại diện mô tả La Liga giờ như mảnh đất khô cằn, nơi các CLB cố gắng để duy trì sự sống thay vì đầu tư mạnh tay.
Sự suy yếu về tài chính của La Liga dẫn đến việc các CLB Tây Ban Nha kém cạnh tranh hơn trên thị trường chuyển nhượng và trên sân cỏ. El Clasico mất dần sức hút khi không còn xuất hiện Messi hay Ronaldo.
Những ngôi sao còn lại như Karim Benzema, Antoine Griezmann, Luka Modric hay Luis Suarez ngày một già đi và ai có thể là người thay thế họ? Những cầu thủ hay nhất thế giới giờ đang hiện diện ở Premier League (Ronaldo, Salah, De Bruyne, Harry Kane), Bundesliga (Lewandowski, Haaland) hay Ligue 1 (Messi, Neymar, Mbappe).
Tiền bản quyền truyền hình của Premier League tại Mỹ vừa được bán với giá 2,7 tỷ USD trong bản hợp đồng có thời hạn 6 năm. Trong khi đó, gói bản quyền truyền hình của La Liga tại Mỹ chỉ có giá 1,4 tỷ USD trong 8 năm tới. Đó là một sự chênh lệch rất lớn.
Mbappe có thể là ngôi sao lớn nhất sẽ cập bến La Liga trong thời gian tới. Tuy nhiên, một mình tiền đạo người Pháp khó đảo ngược đà đi xuống của cả một giải đấu. Thời hoàng kim của bóng đá Tây Ban Nha tại Champions League đã qua.
Bình luận