Tuy nhiên, DWS Star Bridge Limited Liability (DWS) là công ty nhận chuyển nhượng phần vốn góp của VK Housing thông qua việc tuyên bố phá sản của các thành viên ở nước ngoài chưa được Tòa án tại Việt Nam công nhận đã không tuân thủ Hợp đồng liên doanh.
Từ chuyện “mập mờ” thay đổi thành viên…
Như Báo Công lý phản ánh, ngày 10/03/2007, Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) với Công ty P&D Korea Co., Ltd (P&D) và Công ty Lucky Vietnam Construction (LVC) ký Hợp đồng liên doanh để hợp tác đầu tư và thành lập VK Housing.
Theo đó, HDTC góp 4.773.688,80 USD, chiếm 20% vốn góp (góp bằng một phần quyền sử dụng đất của lô đất trên). LVC góp 4.296.319,02 USD, chiếm 18% vốn góp (góp bằng tiền mặt). P&D góp 14.798.432,18 USD, chiếm 62% vốn góp (góp bằng tiền mặt). Theo quy định của Hợp đồng liên doanh, mọi tranh chấp không thể thỏa thuận được thì giải quyết thông qua con đường Tòa án. Pháp luật điều chỉnh của Hợp đồng liên doanh là pháp luật Việt Nam.
Ngày 4/12/2009, Hội đồng thành viên VK Housing đã ra nghị quyết về việc nhất trí việc VK Housing vay vốn với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động của công ty. Để có tài sản đảm bảo, các bên ký thỏa thuận hủy Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa HDTC và VK Housing để HDTC có thể dùng giá trị quyền sử dụng đất đảm bảo cho khoản vay 15 tỷ won của VK Housing.
Do một số bên bảo lãnh không còn khả năng chi trả cho khoản nợ 15 tỷ won, HDTC đã vay 400 tỷ đồng chuyển cho Ngân hàng Woori – Chi nhánh TP HCM để giải chấp, nhận lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, P&D và LVC không còn khả năng thanh toán các khoản nợ của công ty mình. Do đó, ngày 22/07/2015, P&D và LVC đã bị Tòa án quận Trung tâm Seoul, Hàn Quốc tuyên bố phá sản theo quyết định của số: 2014 hahab 100129 và 2014 hahab 100130.
Sau khi phá sản, ngày 16/03/2016, Tòa án quận trung tâm Seoul, Hàn Quốc đã chỉ định ông Kwon Soon Chul là quản tài viên đứng ra phát mãi tài sản thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng 62% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của P&D và 18% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của LVC cho DWS.
Tại mục 5, Điều 3 của 02 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa Quản tài viên của bên bị phá sản với DWS nêu rõ: “Bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện các thủ tục cần thiết như (i) xin công nhận hợp đồng này từ Tòa án Việt Nam;…”.
Mặc dù chưa thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng DWS đã làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngày 21/4/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 cho VK Housing đã điều chỉnh về pháp nhân nước ngoài trong công ty liên doanh, cụ thể là DWS sẽ thay thế 2 pháp nhân cũ là P&D và LVC.
Trước việc làm bất minh của DWS về việc thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 của VK Housing, HDTC đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT – Bộ Công an tố cáo về hành vi giả mạo giấy tờ. Vụ việc đã được Bộ Công an kết luận khẳng định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để được cấp giấy chứng nhận thay đổi lần 2 của VK Housing là giả mạo.
Ngày 29/9/2017, Sở KH&ĐT TP HCM đã có quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 của VK Housing. Theo đó không công nhận tư cách thành viên góp vốn của DWS do bà Yeh Kuo, Shun – Kuai đại diện pháp luật, thay thế cho 2 công ty phá sản P&D và LVC.
Mặc dù bà Yeh Kuo, Shun - Kuai, không còn là người đại diện theo pháp luật của VK Housing, nhưng vẫn ngang nhiên đứng tên đại diện theo pháp luật để gửi đơn khiếu nại khắp nơi khiến vụ việc càng thêm phức tạp. Đồng thời, Công ty ký hợp đồng thuê công ty Dịch vụ Bảo vệ Hoàng Vương Gia để chiếm dụng khu đất trái phép.
Video: Bi hài cảnh trèo rào, chui rào, vác xe qua rào để vào khu đô thị giữa lòng Hà Nội
…đến “né tránh” tham gia vụ án
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại VK Housing, HDTC đã có đơn khởi kiện ra TAND TP HCM tranh chấp hợp đồng góp vốn. Ngày 28/04/2017, TAND TP HCM đã tiến hành tống đạt các văn bản tố tụng liên quan đến vụ án đến trụ sở và văn phòng làm việc của VK Housing nhưng đều không có người làm việc.
Để tiến hành xét xử vụ án, Tòa án đã tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp để tống đạt các văn bản tố tụng cho DWS đang ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Theo ủy thác tư pháp thì ngày 08/01/2018 sẽ tổ chức họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất. Tuy nhiên theo giấy triệu tập của Tòa thì cả đại diện của DWS và VK Housing đều không có mặt.
Tòa án tiếp tục gửi giấy triệu tập lần 2, đại diện của DWS vẫn không có mặt. Riêng đại diện theo pháp luật của VK Housing là ông Lee Jong Suk (là người đại diện theo pháp luật theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần 1 của VK Housing) đã có giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Quý tham gia phiên tòa.
Thậm chí, ngày 15/03/2018, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đại diện của DWS cũng không có mặt tham gia phiên tòa.
Diễn biễn này phù hợp với việc bà Yeh Kuo, Shun – Kuai nhập cảnh vào Việt Nam ngày 18/04/2016, đã xuất cảnh khỏi Việt Nam ngày 21/04/2016 và chưa có thông tin về việc bà nhập cảnh lại vào Việt Nam.
Thế nhưng từ khi bị thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp thay đổi lần 2, bà Yeh Kuo, Shun - Kuai vẫn đứng tên đại diện theo pháp luật của VK Housing gửi đơn kêu cứu và khiếu nại khắp nơi; ký hợp đồng thuê công ty Dịch vụ Bảo vệ Hoàng Vương Gia để bảo vệ khu đất; khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TPHCM… Bằng cách nào bà có mặt tại Việt Nam để ký các văn bản trên đến nay là câu hỏi chưa có lời giải!?
Về tư cách của bà Yeh Kuo, Shun – Kuai, đại diện pháp luật cho VK Housing ký các văn bản khiếu nại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ký văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng, đơn của Công ty VK Housing chuyển đến Bộ Tư pháp đều được bà Yeh Kou, Shun-Kuai ký dưới chức danh Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty VK Housing.
Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện, ngày 29/9/2017, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, huỷ bỏ đăng ký thay đổi lần 02 của VK Housing do bà Yeh Kou, Shun-Kuai làm đại diện theo pháp luật vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp này được cấp trên cơ sở các thông tin giả mạo của doanh nghiệp; khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư số 411022000109 được cấp lần 01 do JONG-SUK, LE là người đại diện theo pháp luật.
Do đó, tại thời điểm ký đơn nêu trên, bà Yeh Kou Shun-Kuai không còn là người đại diện theo pháp luật của VK Housing, không có tư cách đại diện cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, nên không có cơ sở giải quyết khiếu nại theo quy định.
Điều đó đồng nghĩa với việc bà Yeh Kuo, Shun – Kuai, đại diện pháp luật cho VK Housing ký các văn bản sau ngày 29/9/2017 đều vô hiệu, không giá trị pháp lý.
Như nêu trên, HDTC và VK Housing đã có thỏa thuận hủy hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Về mặt pháp lý, HDTC là chủ khu đất trên. Mọi tranh chấp về hợp đồng góp vốn được giải quyết theo quy định pháp luật. Hiện nay, vụ việc đang được TAND TP HCM thụ lý, giải quyết.
Thiết nghĩ, DWS cần phải hợp tác để nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên theo quy định pháp luật. Đằng này, DWS lại né tránh không tham gia vụ án. Chưa kể, khi không còn tư cách đại diện pháp luật của VK Housing, bà Yeh Kuo, Shun – Kuai, người của DWS, vẫn ký hàng loạt các văn bản khiếu nại gửi các cơ quan chức năng gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.
Bình luận