• Zalo

Dự án đi qua nhà, mặt đường thành...'vực sâu'

Thời sựThứ Ba, 26/06/2012 04:28:00 +07:00Google News

(VTC News) – Để ra khỏi nhà, người dân chỉ biết men theo con đường nhỏ gồ ghề, lởm chởm sỏi đá, một bên là núi, bên dưới là bờ vực sâu hun hút.

(VTC News) – Để ra khỏi nhà, người dân chỉ biết men theo con đường nhỏ gồ ghề, lởm chởm sỏi đá, một bên là núi, bên dưới là bờ vực sâu hun hút.


Thời gian qua, 12 hộ dân thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên liên tục phản ánh đến các cơ quan báo, đài trong tỉnh về việc đơn vị thi công tiến hành đào đất hạ nền đường xuống đúng cao độ thiết kế mặt đường Chí Thạnh – An Lĩnh khiến nhà các hộ này chênh vênh bên vực sâu, gây uy hiếp đến tài sản và tính mạng.

Theo Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, tuyến đường nâng cấp bê tông Chí Thạnh - An Lĩnh (dài gần 8km, rộng 3,5m) được tiến hành theo dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – tỉnh Phú Yên có tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng tỉnh Phú Yên. Công trình được khởi công vào tháng 2/2012, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2012.

Từ nhà xuống đường cao hơn 10m 

Trong thời gian qua, chủ đầu tư đã đền bù cho 249 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng với số tiền 3,2 tỉ đồng. Tuy nhiên không hiểu sao chủ đầu tư lại cho rằng 12 hộ dân trên nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nên không thuộc diện được di dời. Từ đó đến nay, số phận của những hộ này mong manh như “ngọn đèn trước gió”.

Đứng bên dưới nền đường vừa được đơn vị thi công đào xong, chúng tôi phải ngước mỏi cổ mới thấy hết 12 căn nhà nằm rải rác trên phạm vi khoảng 300 m. Độ cao thấp nhất từ đường lên đến nhà là khoảng hơn 5m, chỗ cao nhất lên hơn 11 m. Để ra khỏi nhà, người dân chỉ biết men theo con đường nhỏ gồ ghề, lởm chởm sỏi đá, một bên là núi, bên dưới là bờ vực sâu hun hút. Nhiều lúc người dân đi gánh nước mới lên được nửa đường đã té nháo nhào bởi dốc vừa cao lại trơn trượt.

Thời gian qua, hầu hết trẻ em và người già ở đây đều ít nhất một lần “đo đất”. May mắn là dù liên tục xuất hiện trường hợp té nhào từ trên cao xuống nhưng cho đến nay vẫn chưa trường hợp bị thương vong nặng.

Điều đáng nói hơn cả là đơn vị thi công tiến hành đào sát cửa nhà nên các hộ này không còn quỹ đất để làm hàng rào. Do đó nguy cơ đối với tính mạng, tài sản người dân càng tăng lên bội phần. Theo phản ánh của các hộ dân, mặc dù họ nhiều lần bày tỏ nguyện vọng với chính quyền, các sở ngành để được sớm vào diện di dời nhưng cho đến nay vẫn chưa được các bên liên quan “chiếu cố”.

Người dân nhọc nhằn "xuống núi" để gánh nước 

Theo UBND xã An Lĩnh, vùng đất An Lĩnh có kết cấu địa chất không ổn định, thường hay xảy ra tình trạng trụt, nứt đất (từ năm 2010 đến nay, tại xã An Lĩnh liên tục xảy ra tình trạng sụt, nứt đất đe dọa hàng trăm hộ dân - PV) nên việc nhà của 12 hộ dân trên nằm chông chênh trên cao so với mặt đường là vô cùng nguy hiểm, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Thời gian tới, nếu chủ đầu tư chấp nhận đưa 12 hộ trên vào diện được bồi thường, di dời thì chính quyền xã sẽ bố trí ngay quỹ đất để họ tái định cư.

Trong khi đó, theo Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương tạo đường, hạ độ dốc cho người dân đi lại thuận lợi hơn; đồng thời xin chỉ đạo để di dời các hộ trên.

Hiện 12 hộ dân trên vẫn phải tiếp tục chịu cảnh “sống trong sợ hãi” dài dài bởi việc đền bù, di dời khó có thể tiến hành trong ngày một, ngày hai…

Hoàng Vân

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây

Bình luận
vtcnews.vn