Trao đổi với phóng viên VTC News về việc hàng loạt các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị bỏ hoang, chậm tiến độ nhiều năm, ông Nguyễn Trọng Hiền, trưởng phòng quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, các dự án được giao đất mà không triển khai trong nhiều năm cần phải được làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.
Trước hết, phải rà soát lại xem dự án này có phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt hay không. Sau đó đối chiếu với các dự án đã được Hà Nội đồng ý cho tiếp tục làm. Nếu đã phù hợp với quy hoạch thì việc dự án chưa được triển khai hoặc chậm triển khai sẽ thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư.
Trong trường hợp chủ đầu tư muốn điều chỉnh quy hoạch, nhưng đã ký hợp đồng với khách hàng thì phải thỏa thuận và được sự đồng ý, nhất trí của khách hàng mới được dừng dự án để xin điều chỉnh.
Cũng theo ông Hiền, hiện Luật đất đai đã quy định rất rõ, những dự án quá thời hạn 12 tháng không đưa vào sử dụng và chậm 24 tháng sẽ tiến hành thu hồi.Rất nhiều dự án quây tôn rồi bỏ hoang ở Hà Nội
“Trường hợp dự án gần 10 năm vẫn chưa triển khai sẽ phải kiểm tra lại, xem vì sao lại như thế, đã có cơ quan nào vào thanh tra chưa, nếu có kết luận là gì, tại sao từ đó đến nay vẫn chưa tiến hành xử lý, thu hồi”, ông Hiền nhấn mạnh.
Hiện nay, mặc dù các quy định về xử phạt trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có việc chậm triển khai dự án đã được quy định rất đầy đủ tại Nghị định số 53 (ngày 04/4/2007) về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Nghị định số 23 (ngày 27/02/2009) về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản... nhưng đến nay rất ít các chủ đầu tư và nhà thầu bị xử phạt.
Cũng liên quan đến việc hàng loạt dự án chậm tiến độ, theo một lãnh đạo của Bộ Xây dựng, đầu tháng 10 tới đây, đoàn thanh tra của Bộ sẽ tiến hành thanh kiểm tra các dự án bất động sản lớn trên 10 thành phố trong cả nước.
Trong đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra đối với các dự án “treo”, bỏ hoang, chậm triển khai tại nhiều khu vực, địa bàn trọng điểm của Hà Nội, TP.HCM.
Đoàn kiểm tra sẽ phân loại các dự án phát triển nhà ở được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…
Trước câu hỏi về xử lý các dự án chậm tiến độ, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cũng cho biết: Từ nay cho đến cuối năm 2012, Sở sẽ tiến hành thanh tra 60 tổ chức có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn để tập trung kiểm tra xử lý, khắc phục dự án đầu tư có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện, vi phạm Luật Đất đai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, hiện Sở đang lập hồ sơ trình thành phố Hà Nội quyết định thu hồi hơn 81 ha của 11 tổ chức sử dụng đất chậm triển khai thực hiện dự án.
Trong thời gian vừa qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành tập trung rà soát kết quả kiểm tra, kết luận cụ thể những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại 33 dự án thuộc 4 quận, huyện gồm: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Từ Liêm.
Trước đó, phản ánh lên báo điện tử VTC News, hàng chục khách hàng mua dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 đang khóc dở mếu dở vì dự án gần 10 năm vẫn là bãi đất trống.
Dự án do Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 (Coma7) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2003 – 2004, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 8/2005. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm khởi công, dự án vẫn là bãi đất hoang.
Theo lý giải của chủ đầu tư thì sau khi tính toán lại tổng thể và do trượt giá nên nếu xây dựng như số tầng ban đầu thì chủ đầu (9 tầng) thì sẽ không có lãi, nên phải xin điều chỉnh lên 15 tầng. Quá trình xin cấp phép này phải trình thủ tục qua nhiều khâu nên dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.
Bài, ảnh:Châu Anh
Bình luận