• Zalo

Dư âm ngân hàng 2014: Bắt sếp lớn, liên tục giảm lãi suất

Kinh tếThứ Tư, 24/12/2014 07:14:00 +07:00Google News

Năm 2014, thị trường ngân hàng chứng kiến nhiều sự kiện “sốc”, trong đó, đáng chú ý hơn cả là việc các đại gia ngân hàng dính vòng lao lý.

(VTC News) – Năm 2014, thị trường ngân hàng chứng kiến nhiều sự kiện “sốc”, trong đó, đáng chú ý hơn cả là việc các đại gia ngân hàng dính vòng lao lý.

Xử bầu Kiên – Huyền Như

Trong năm 2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt thực sự là cú sốc lớn của ngành ngân hàng. 2 năm trôi qua, dù không còn ảnh hưởng tới thị trường tài chính và thị trường chứng khoán nhưng sự kiện này vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Chính vì vậy, các phiên xét xử bầu Kiên luôn là “điểm nóng”, được báo giới tập trung đưa tin. Với khả năng hoạt ngôn của mình, bầu Kiên càng khiến các phiên xét xử “nóng” hơn. Dù rất tự tin vào các lập luận của mình nhưng bầu Kiên vẫn không thuyết phục được những người cầm cân nảy mực. Kết quả là bầu Kiên nhận án 30 năm tù giam.

xử bầu Kiên
Bầu Kiên trong phiên xét xử 
Cùng với bầu Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như cũng là cái tên gây rúng động ngành tài chính với những vụ lừa đảo lên tới ngàn tỷ đồng. Vụ án càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có liên quan tới một số ngân hàng lớn, doanh nghiệp lớn. Hiện tại, phiên xét xử Huyền Như vẫn chưa đến hồi kết và vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Bắt sếp lớn ngành ngân hàng

Sau bầu Kiên, trong suốt thời gian dài qua, hàng loạt đại gia ngân hàng dính vào vòng lao lý. Năm 2014, danh sách này được kéo dài thêm. Trong đó, đáng chú ý nhất là ông Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai, Chủ tịch và Tổng giám đốc VNCB bị bắt hồi cuối tháng 7 năm nay.

Cụ thể, Phạm Công Danh, người nắm giữ chức danh Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, thành viên của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có hành vi gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng.

Lợi dụng việc này, ông Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỷ đồng. Hợp đồng với bên cho thuê được ký kéo dài 40 năm. Ông Phạm Công Danh là cổ đông lớn của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và hiện đang làm Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh.

Bên cạnh đó, việc ông chủ của Tập đoàn Đại Dương bị bắt cũng ít nhiều tác động tới thị trường.

sếp ngân hàng
Ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai 
Liên tục giảm lãi suất

2014 là năm Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thành công trong việc điều hành ngành ngân hàng. Một trong những thành tích đáng kể nhất chính là giảm lãi suất. Sau nhiều đợt điều chỉnh giảm, từ cuối tháng 10, trần lãi suất huy động bằng VND chỉ còn 5,5% cho kỳ hạn từ 1 tháng tới dưới 6 tháng.

Với tiền gửi bằng USD, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi của tổ chức là 0,25%/năm và tiền gửi của cá nhân từ 1% xuống mức 0,75%/năm.

Ngoài những yêu cầu bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước còn “hiệu triệu” hệ thống ngân hàng đẩy mạnh giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh với vốn giá rẻ.

Kết quả là, cuối tháng 11, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8-7,5%/năm.

Lãi suất cho vay cũng vì thế mà giảm mạnh. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất giảm mạnh trong năm 2014 
Sáp nhập ngân hàng

Năm 2014, hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch sáp nhập. Bộ đôi ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) gây chú ý nhất vì trước đó thị trường vẫn đinh ninh Sacombank và ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mới là “cặp đôi” đích thực.

Cuối tháng 3, Southern Bank đã trình Đại hội đồng Cổ đông chủ trương sáp nhập vào Sacombank. Đều xuất này được cổ đông chấp thuận.

Phía Sacombank nhận định Sacombank sáp nhập Southern Bank là thuận lợi vì 2 ngân hàng tương đồng chủ sở hữu. Mặt khác, Southern Bank cũng nhận thấy tự tái cấu trúc không khả thi nên đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi vì Sacombank và Southern Bank ở hai vị trí hoàn toàn khác nhau trong ngành ngân hàng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng lên kế hoạch sáp nhập. Đó là các ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB), ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Thông tư 36

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.

Ảnh hưởng của Thông tư 36 đối với ngành ngân hàng là rất lớn trên nhiều khía cạnh. Thông tư quy định chặt chẽ hơn về giới hạn cho vay, giới hạn cấp tín dụng, thắt chặt kiểm soát đối với sở hữu chéo, đầu tư chéo,…

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn