• Zalo

'Đông y gia truyền 3 đời' nhan nhản trên mạng: Quảng cáo láo đối diện án tù

Bệnh và thuốcThứ Ba, 13/04/2021 13:19:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo luật sư, quảng cáo láo "đông y gia truyền 3 đời" lừa dối khách hàng có thể bị phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Thuốc chữa bệnh được rao bán nhan nhản trên Facebook, Youtube..., “thầy thuốc mạng” nở rộ với các bài thuốc gia truyền, “bí truyền”, “vĩnh viễn chữa khỏi” đang là mội nguy cần phải dẹp bỏ.

"Thần dược" nhan nhản trên mạng xã hội

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, với sự phát triển rực rỡ của triết học Đông phương, các y gia cổ hệ thống hoá các kinh nghiệm chữa bệnh theo hệ thống triết học này. Từ đó, hình thành một nền Y học cổ truyền hay còn gọi là Đông y.

Đông y cũng dựa trên bằng chứng khoa học. Giới y khoa đang từng bước hiệu quả hóa các bài thuốc, các công thức châm cứu, các phương pháp tập luyện bằng nghiên cứu khoa học chứ không phải truyền miệng hay chỉ dựa trên kinh nghiệm gia truyền.

“Từ các nghiên cứu khoa học, điểm mạnh của Đông y là điều chỉnh các rối loạn chức năng, hỗ trợ điều trị một cách tích cực các bệnh mãn tính, bệnh khó và bổ dưỡng cơ thể. Trong điều trị Đông y, mỗi người bệnh có một cơ địa, mạch lý và các triệu chứng khác nhau sẽ sử dụng một bài thuốc khác so với người cùng được chẩn đoán một bệnh. Tuy nhiên, Đông y không là “thần dược”. Người bệnh không nên tin qua truyền miệng, qua quảng cáo mà không có cơ sở, tức không qua nghiên cứu, không qua kiểm định và cho phép của Bộ Y tế”, BS Bay nói.

'Đông y gia truyền 3 đời' nhan nhản trên mạng: Quảng cáo láo đối diện án tù - 1

Một quảng cáo "thuốc gia truyền 3 đời" trên Youtube.

Nói về quảng cáo chữa bệnh, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết kiểm tra nhưng những quảng cáo sai sự thật, gian dối, lừa người dùng vẫn tràn lan trên mạng xã hội.

“Những quảng cáo biến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành “thần dược” đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo kiểu “vĩnh viễn chữa khỏi” hay có những cụm từ tương tự trong giấy phép quảng cáo”, ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, thuốc chữa bệnh do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép; thực phẩm chức năng do Cục An toàn thực phẩm cấp phép; quảng cáo sẽ do Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, quản lý. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên mạng xã hội có vẻ đang bị bỏ ngỏ. 

Quảng cáo láo đối diện án tù

Dưới góc độ pháp lý, LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay hoạt động khám chữa bệnh (KCB) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, chưa bao giờ hoạt động KCB lại nở rộ trên không gian mạng như hiện nay. Trên các kênh Youtube, Facebook liên tục có những quảng cáo về chữa bệnh xương khớp, viêm xoang, thậm chí ung thư. Có những thầy lang, tự xưng là “thần y” có thể chữa khỏi, cam kết chữa khỏi 100% khiến người bệnh “tiền mất tật mang”, không biết thực hư.

Hoạt động KCB đòi hỏi y đức rất cao, người thực hiện hoạt động KCB phải có chuyên môn trình độ phù hợp và phải được rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, những đối tượng hám lợi, lừa đảo, không có chuyên môn lẫn y đức lại quảng cáo tràn lan về KCB. Họ thường giả danh đồng bào dân tộc, bài thuốc gia truyền, thậm chí tuyên truyền mê tín dị đoan để thực hiện hoạt động KCB trái phép. Do đó, hoàn toàn có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.

Cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra các cơ sở, những tài khoản tuyên truyền về khả năng KCB trên không gian mạng để xử lý.

Với những ai không có chứng chỉ hành nghề y dược, không được phép KCB theo quy định của pháp luật nhưng vẫn đưa thông tin gian dối để bán thuốc, chữa bệnh trái phép mà chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể là tù chung thân.

"Hiện nay, hoạt động KCB theo Đông y đang phát triển trên mạng xã hội. Nhiều đối tượng tự xưng lương y, “thần y” để hoạt động KCB trái phép gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nhiều người, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Do đó, đã đến lúc cơ quan chức năng cần “dẹp loạn lang băm” để làm sạch môi trường mạng, đảm bảo an toàn đời sống người dân", LS Cường nói.

'Đông y gia truyền 3 đời' nhan nhản trên mạng: Quảng cáo láo đối diện án tù - 2

LS Đặng Văn Cường. 

Cũng theo LS Cường, những đối tượng thực hiện hoạt động KCB không đúng quy định pháp luật hoặc không có giấy phép mà gây hậu quả thương tích nghiêm trọng hoặc chết người sẽ xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về KCB. 

Trường hợp đưa ra những thông tin gian dối về công dụng của thuốc hoặc gian dối về khả năng KCB, gian dối trong việc cân, đo, đong, đếm mà chiếm đoạt của người bệnh từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Đối với người tung những thông tin không đúng sự thật, mê tín dị đoan để thực hiện hoạt động KCB nhằm chiếm đoạt tiền của người khác cũng có thể xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi đưa những thông tin trái phép, gian dối, giả mạo trên không gian mạng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ điều kiện, khả năng KCB; làm rõ hành vi, thủ đoạn, làm rõ số tiền chiếm đoạt của các đối tượng để có căn cứ xử lý theo pháp luật. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào sẽ xử lý tội danh đó.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn