• Zalo

Làm sao dẹp loạn 'đông y gia truyền 3 đời'?

Bệnh và thuốcThứ Năm, 08/04/2021 16:11:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Thuốc chữa bệnh nhưng lại được quảng cáo tràn lan trên các kênh, mạng xã hội, rồi tự xưng thầy thuốc với danh nghĩa gia truyền đang thực sự nhức nhối.

Trên YouTube, Facebook và nhiều kênh truyền thông khác đang tràn lan kiểu quảng cáo của các thần y tự xưng: “Nhà tôi 3 đời” chữa sỏi thận, thoái hóa xương khớp, viêm xoang, mụn nhọt.

Ám ảnh

Là Youtuber, anh Phan Đắc Thành (ngụ quận 5, TP.HCM) thấy phản cảm và ám ảnh với các quảng cáo về thuốc đông y gia truyền. Quảng cáo quá nhiều, gây phiền toái cho người xem. Hơn nữa thuốc trị bệnh không thể quảng cáo tràn lan như mặt hàng khác được.

“Tôi rất nhiều lần thấy các quảng cáo "nhà tôi ba đời' kiểu này., với giọng nói thều thào. Nên dẹp ngay và luôn kiểu quảng cáo phản cảm như thế, và tránh để người bệnh bị lừa. Tôi cũng biết nhiều người nhập viện cấp cứu vì tin “thần y mạng” rồi”, anh Thành nói.

Làm sao dẹp loạn 'đông y gia truyền 3 đời'? - 1

Một quảng cáo "thuốc gia truyền 3 đời". 

Chị Nguyễn Thị Nga (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đang xem video Youtube thì bỗng nhiên có giọng nói thều thào như phim ma “nhà tôi 3 đời chữa…, thật khủng khiếp. Còn có nhà sư khuyên người tiểu đường không được uống thuốc Tây. Hay con tôi 10 tuổi đang xem The vocie kids bỗng xuất hiện quảng các chữa xuất tinh sớm... Đúng là quảng cáo thuốc đông y trên Youtube bây giờ quá độc hại”.

Không chỉ phản cảm, gây phiền toái cho người dùng, mà chỉ vì tin vào “thần y mạng” không ít người phải nhập viện trong tình trạng suy gan, thận, thậm chí nguy kịch do dùng thuốc đông y trên mạng lâu ngày.

Mới đây nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận liên tiếp 2 ca bệnh từ Yên Bái và Phú Thọ, nhiễm trùng hoại tử da nặng, có dấu hiệu suy gan, thận do tự ý sử dụng thuốc nam quảng cáo trên mạng. Hay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước đó cấp cứu hai bệnh nhân suy gan do nhiễm độc thuốc nam vì uống thuốc quảng cáo mạng.

Giáo dục để “dẹp loạn” gia truyền 3 đời

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền (ĐH Y Dược TP.HCM), Y học cổ truyền hay gọi là Đông y là nền y học sử dụng các phương tiện tự nhiên như thực vật, khoáng chất hay các phương pháp không dùng thuốc như tập luyện, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu…để trị bệnh.

Với sự phát triển rực rỡ của triết học Đông phương, các y gia cổ hệ thống hoá các kinh nghiệm chữa bệnh theo hệ thống triết học này, từ đó hình thành một nền y học với cơ sở lý luận dựa trên các học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Thiên nhân hợp nhất… giúp lưu truyền và đào tạo cho các thế hệ thầy thuốc tiếp nối trên cơ sở học thuyết khoa học. 

Đông y cũng dựa trên bằng chứng khoa học. Giới y khoa đang từng bước bằng chứng hoá hiệu quả các bài thuốc, các công thức huyệt châm cứu, các phương pháp tập luyện và hiệu quả bằng nghiên cứu khoa học chứ không phải truyền miệng hay chỉ dựa trên kinh nghiệm gia truyền.

“Khi có bệnh, chúng ta cần đi khám, thầy thuốc sẽ quyết định nên chữa trị thế nào, dùng phương pháp gì, là con đường ngắn nhất giúp phục hồi sức khoẻ cho mình, không nên tin qua truyền miệng, qua quảng cáo mà không có cơ sở. Có nghiên cứu xác định loại bệnh nào nên chữa trị bằng Đông y, Tây y hay Đông - Tây y phối hợp, lập các phác đồ kết hợp Đông – Tây y trong điều trị bệnh mãn tính và chăm sóc phục hồi. Người bệnh không nên tự ý điều trị”, BS Bay cho biết.  

Làm sao dẹp loạn 'đông y gia truyền 3 đời'? - 2

PGS TS BS Nguyễn Thị Bay. 

Từ sự không hiểu biết hoặc hiểu biết chưa tới, nhiều người cho rằng Đông y là gia truyền, là kinh nghiệm truyền nối dẫn đến một số lợi dụng điều này quảng cáo với danh nghĩa “thuốc gia truyền 3 đời” để lừa người bệnh.   

Quảng cáo thuốc không rõ ràng, không có cơ sở khoa học làm 'mất mặt' Đông y. Lẫn trong đó cũng có thầy thuốc tốt, quan trọng là phải đào tạo, giáo dục, giúp đỡ, để không còn là những quảng cáo như thế nữa”, BS Bay nói.

Theo quy định hiện hành, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận. Sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện mở cửa hàng kinh doanh thuốc chữa bệnh. Tình trạng không phải là cơ sở đông y nhưng bán thuốc núp dưới danh nghĩa “bài thuốc gia truyền 3 đời” đang là mối nguy lớn cho người bệnh và cộng đồng.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn