Chiều 13/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06/Chính phủ của TP Hà Nội, sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo nhanh về kết quả thực hiện, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, khối lượng công việc của Đề án 06 thực sự lớn. Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều công việc, nắm rõ từng việc, từng lĩnh vực.
Tại hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ trực tiếp trả lời các kiến nghị của TP Hà Nội.
Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội, khẳng định, Đề án 06/Chính phủ không chỉ dừng ở 25 dịch vụ công thiết yếu trực tuyến mà còn là 4 mục tiêu lớn cần hướng đến: Chính quyền số, công dân số, chính quyền số, xã hội số.
“25 dịch vụ công thiết yếu trực tuyến triển khai tiền đề là để tạo đột phá, cú hích cho cả đề án lớn. Toàn thành phố có hơn 1.800 dịch vụ công, mục tiêu phải phấn đấu đạt 90-95 % thực hiện trực tuyến, giảm thời gian đi lại, chi phí và rất nhiều tiện ích nữa phục vụ người dân tự các dịch vụ công trực tuyến”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP phân tích rõ.
Khẳng định 6 tháng qua việc thực hiện Đề án 06/Chính phủ ở Hà Nội có kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP đề nghị các cơ quan cần tích cực hơn và đặt câu hỏi mà các đơn vị phải tự trả lời: Thực sự người dân đã được hưởng những tiện ích chưa?
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu rõ: “Trong năm 2022, việc tái cấu trúc các dịch vụ công thiết yếu chạy trên môi trường điện tử phải xong. Các dịch vụ công này chạy thử nghiệm tốt mới áp dụng chính thức để không tạo phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở TT&TT cần đẩy nhanh tiến độ, kết hợp dịch vụ công trực tuyến với số hóa, chuyển đổi số. “Các nhiệm vụ này đã được yêu cầu, nhắc lại nhiều lần, cần trách nhiệm hơn, đẩy nhanh tốc độ hơn”, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP nhắc nhở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đặc biệt lưu ý công tác truyền thông: Các đơn vị phải thường xuyên hướng dẫn, vận động, làm sao để người dân và doanh nghiệp thấy được cái hay, sự tiện dụng của các dịch vụ công trực tuyến.
Gợi mở thêm việc cần hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ côngtrực tuyến trên truyền hình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra.
“Các đồng chí phải xuống cơ sở, đóng vai người dân xem có thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến không, cán bộ có biết sử dụng máy móc phần mềm không?”, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội chỉ đạo.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải nỗ lực hơn để hướng tới xây dựng Thủ đô thông minh, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất với mục tiêu cụ thể: “Cuối năm cơ bản phải hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”.
Bình luận