Trong tháng 7 vừa qua, giới đầu tư toàn cầu bán tháo đồng USD ồ ạt khiến giá trị của đồng bạc xanh đối với 6 ngoại tệ mạnh khác giảm đến 4,4%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Tính từ mức cao hồi tháng 3 năm nay, giá đồng USD đã trượt dốc đến 10%.
Trao đổi với Zing, ông Edward Moya, nhà phân tích cao cấp tại Công ty OANDA (Mỹ), nhận định nguyên nhân chính dẫn đến cú trượt dài của đồng USD là lãi suất thực Mỹ rơi xuống mức âm.
Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động và nguy cơ lạm phát cao do các gói kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ cũng tác động tiêu cực đến đồng bạc xanh. Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến khả năng hoãn cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới khiến giới đầu tư mất niềm tin vào đồng USD.
"Sẽ tiếp tục trượt dốc"
"Đồng USD đã được định giá quá cao trước dịch Covid-19 và sẽ sụt giảm nhiều hơn nữa", ông Moya bình luận. Sáng hôm 3/8, giá đồng USD bật tăng phần nào sau cú sụt giảm lịch sử.
"Trong tương lai gần, giới đầu tư sẽ tiếp tục bắt đáy đồng bạc xanh. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh lớn, sức mạnh của đồng USD khó có thể phục hồi khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu, lãi suất thực của Mỹ âm, thâm hụt hàng nghìn tỷ USD cùng những mối lo ngại về dịch COVID-19", nhà phân tích tại OANDA giải thích.
Hôm 30/7, sức tàn phá của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ đã được phơi bày sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP nước này lao dốc 9,5% trong quý II/2020, tương đương 32,9% cả năm. Cú sụt giảm xóa sạch gần 5 năm tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hiện, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt buộc chính quyền các bang tái áp dụng lệnh giãn cách xã hội, khiến hoạt động kinh tế tiếp tục bị đình trệ, người tiêu dùng bất an. Trong khi đó, hầu hết gói cứu trợ của chính phủ liên bang sắp hết hiệu lực, các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về việc có mở rộng chương trình hỗ trợ hay không.
"Sự phục hồi toàn cầu không diễn ra cân bằng, một số quốc gia làm tốt hơn nhiều nước khác. Mỹ và Brazil là những nước chật vật nhất vì dịch COVID-19", nhà phân tích Jens Nordvig nhận định. Việc không thể kiểm soát được dịch khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, nền kinh tế càng khó phục hồi.
"Cứ mỗi khi số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng là giá đồng USD lại sụt giảm", nhà phân tích Paresh Upadhyaya của Amundi Pioneer Asset Management cho biết. Tính đến ngày 4/8, số ca nhiễm COVID-19 trên khắp nước Mỹ đã lên đến 4,8 triệu người với 158.931 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, thống kê cho thấy thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã đạt mức kỷ lục 864 tỷ USD trong tháng 6. Tính tổng 2 quý đầu năm tài chính này, thâm hụt lên đến 2.700 tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt năm kỷ lục do chính phủ Mỹ đổ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế.
Theo báo cáo của Goldman Sachs, dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP.
Mất vị thế hàng đầu
"Những lo ngại về việc đồng USD mất vị thế đồng tiền dự trữ chính của thế giới đã bắt đầu gia tăng. Trong môi trường hiện tại, vàng là phương tiện dự trữ cuối cùng khi các chính phủ đang tìm cách giảm giá đồng nội tệ, đẩy lãi suất thực xuống mức thấp kỷ lục", Goldman Sachs viết trong một báo cáo.
Hiện, đồng bạc xanh chiếm 62% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trong những năm 1970, tỷ lệ này lên đến 85%, theo dữ liệu của IMF. Một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Yale dự đoán đồng bạc xanh có thể mất giá khoảng 35% vào năm 2021 và đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Trả lời Zing, ông Moya tại OANDA nhận định: "Đồng USD chưa thể mất đi vị thế trong rổ tiền tệ thế giới. Tuy mất thị phần vào tay đồng euro và đồng NDT trên thị trường ngoại hối toàn cầu, đồng bạc xanh sẽ vẫn giữ vị thế hàng đầu trong tương lai".
Tuy nhiên, theo ông, Trung Quốc có thể thành công trong việc thay thế đồng bạc xanh ở nhiều giao dịch. "Mục tiêu dài hạn trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới từng là giấc mơ xa vời đối với Trung Quốc, nhưng giờ chúng ta sẽ chứng kiến đồng NDT tăng trưởng nhanh", ông nhấn mạnh.
Hôm 2/8, Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) tiết lộ nước này đã cắt giảm tỷ lệ tài sản tính bằng đồng USD trong dữ trữ ngoại hối xuống còn 58% từ năm 2014. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình quốc tế 65% và giảm mạnh từ ngưỡng 79% của nước này hồi năm 1995.
Ông Michael Krupkin, Trưởng bộ phận giao dịch G-10 FX, cũng cho rằng đồng USD vẫn chưa thể mất vị thế độc tôn với tỷ lệ áp đảo trong dự trữ ngoại hối và tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia tại Goldman Sachs, tình trạng nợ công Mỹ phình to sẽ dẫn đến nhiều rủi ro tiền tệ.
"Đồng USD đã vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 do được hỗ trợ bởi nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Thêm vào đó, ngân hàng trung ương của Mỹ cũng đã làm rất tốt trong cuộc khủng hoảng gần nhất", ông Moya bình luận. Tuy nhiên, theo ông, cuộc khủng hoảng đang gây rất nhiều vấn đề cho nền kinh tế Mỹ.
Bình luận