Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nhiều người Nga, trong đó có nhà tài phiệt Arkady Rotenberg. Nhưng ngay cả khi bị cấm khỏi thị trường Mỹ, ông Rotenberg cũng chỉ phải đợi khoảng 8 tuần để mua một bức tranh trị giá 7,5 triệu USD ở thành phố New York.
Arkady Rotenberg chỉ là một ví dụ về sự kém hiệu quả của các biện pháp trừng phạt được mô tả là “án tử hình về tài chính” trong quá khứ.
Dòng tiền tỷ phú Nga vẫn chảy giữa hàng loạt lệnh trừng phạt
Ngày nay, Mỹ và phương Tây một lần nữa tung đòn trừng phạt tài chính để phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Các lệnh cấm nhằm vào nhiều người thân cận với Tổng thống Putin, bao gồm nhà Rotenberg nhằm gây áp lực với nhà lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đặt ra câu hỏi: liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây có phát huy tác dụng, sau khi phần lớn chúng đã thất bại trong quá khứ?
Theo dữ liệu của New York Times, có gần 200 công ty liên kết với ông Rotenbergs, trải rộng trên ba lục địa và hàng chục quốc gia. Ngay cả sau khi cái tên Rotenbergs bị đưa vào danh sách trừng phạt vào năm 2014, ông vẫn nắm giữ cổ phần của ít nhất 7 công ty tại các thiên đường thuế của châu Âu.
Vào năm 2020, ông Rotenberg trở thành chủ sở hữu của hai công ty Robben Investments và Lucasnel SA ở Luxembourg - một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) được coi là thiên đường thuế cho các công ty bình phong. Đến nay, ông Rotenberg vẫn sở hữu những công ty đó.
Nguyên nhân Rotenberg vẫn giàu có và chi tiêu xa hoa bất chấp lệnh trừng phạt là bởi các chính phủ hiếm khi điều tra hoặc cố gắng làm rõ cách bảo vệ tài sản mà những người phải chịu phạt thực hiện. Cụ thể, giới tài phiệt thường thuê một đội ngũ chuyên nghiệp - gồm kế toán, luật sư và những bên trung gian khác - để che giấu của cải. Trong phần lớn trường hợp, chính phủ chỉ giao cho các ngân hàng và công ty tự tìm hiểu và báo cáo việc họ có làm ăn với những người nằm trong danh sách đen hay không.
Ông Phil Mason, cựu cố vấn cấp cao của chính phủ Anh về tham nhũng quốc tế, cho biết các nhà lập pháp coi dòng tiền từ Nga như một nguồn việc làm và là khoản đầu tư có lợi. Do đó, việc xử lý vấn đề tài chính phi pháp chưa được chú trọng.
Tuy nhiên tình hình này có thể chuyển biến, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng có thể là bước ngoặt đối với việc xử lý hiệu quả của các lệnh trừng phạt.
Mỹ và phương Tây đã đưa ra nhiều động thái quyết liệt chưa từng có tiền lệ như đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga và cấm nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ.
Theo sau đó là Anh, Australia, Nhật Bản, Canada và nhiều nước khác cùng chung tay thu hẹp thị trường thế giới của giới tài phiệt Nga. Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh vừa qua đã lập lực lượng đặc nhiệm nhằm truy tìm tài sản của giới tài phiệt Nga và thực thi các biện pháp trừng phạt. Thụy Sĩ cũng cho biết họ sẽ đóng băng tài sản của các tỷ phú Nga.
Giới tài phiệt có nguồn lực vô hạn để chuyển tiền
Theo điều tra của Thượng viện Mỹ, ông Rotenbergs có thể đã che giấu tài sản nhờ Mark Omelnitski - một chuyên gia thiết lập mạng lưới các công ty bình phong. Chỉ với chi phí 1.000 USD, công ty Markom của ông Omelnitski sẽ thành lập các công ty nước ngoài cho những khách hàng giàu có.
“Có khả năng Markom đã tạo ra nhiều công ty cho các nhà tài phiệt Nga và những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin”, kết quả điều tra nội bộ của ngân hàng Anh Barclays cho hay.
Trước những thông tin này, luật sư David H. Laufman nhận xét việc ngăn chặn nguồn dòng tiền của các nhà tài phiệt Nga là rất khó bởi họ “có nguồn lực vô hạn để chuyển tiền và tránh bị giám sát”.
Cho đến nay, cả Mỹ và Anh đều chưa quyết liệt trong việc truy tài sản của các nhà tài phiệt bởi việc này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nhân lực và thậm chí cần đến sự hợp tác quốc tế. Các ngân hàng cần phải thông báo cho chính quyền khi họ phát hiện ra hoạt động đáng ngờ và các quan chức chính phủ phải hành động nhanh chóng. Nhưng trên thực tế, một phụ tá cấp cao của Thượng viện Mỹ cho biết các ngân hàng đã nộp rất nhiều báo cáo về Rotenberg cho Bộ Tài chính và không thu được kết quả.
Trong một trường hợp khác, EU đã thông qua một quy định vào năm 2018 - theo đó, công chúng phải có quyền truy cập thông tin về những người sở hữu các công ty ở châu Âu. Tới 4 năm sau, việc đăng ký và công khai thông tin vẫn chưa được hoàn thành do sự trì hoãn của 17 quốc gia.
Năm 2021, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật minh bạch tương tự. Nhưng tới nay, các nhà lập pháp nước này vẫn chưa cung cấp khoản ngân sách 63 triệu USD cần thiết để ban hành luật.
Các chính phủ thay đổi cách tiếp cận
Các chuyên gia nhận định để các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự hiệu quả, các chính phủ có thể cần thay đổi luật.
Tại Mỹ, nhà chức trách có quyền thu giữ tài sản nếu họ nghi ngờ đối tượng có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các nhà điều tra cảnh báo rằng phần lớn số tài sản có thể đã được phân tán và che giấu thông qua các công ty bình phong và ngân hàng nước ngoài, giống như trường hợp của Rotenbergs.
Tại Pháp, chính phủ chỉ có thể thu giữ những tài sản có bằng chứng phạm tội. Ngoài ra, đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt chỉ bị đóng băng tài sản. Hiện chính quyền Paris đang xem xét sửa đổi luật để tịch thu thay vì chỉ đóng băng tài sản của đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt.
Tương tự, chính phủ Anh đã thu giữ một máy bay tư nhân bị tình nghi có liên hệ với nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich. Tuy nhiên, các nhà chức trách chỉ có thể thu giữ tài sản này theo lệnh cấm các máy bay có liên hệ với Nga vào Anh, trong khi chiếc máy bay được đề cập lại được đăng ký ở Luxembourg.
Trong một động thái khác, mới đây Quốc hội Anh đã thông qua luật cấm người dân “núp bóng” các công ty nước ngoài để mua tài sản. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cuối cùng đã giáng đòn trừng phạt vào tỷ phú người Nga Roman Abramovich sau hơn 10 năm kể từ khi có cáo buộc ông này tham nhũng và có liên hệ với Điện Kremlin.
Nhưng sau tất cả những thay đổi đó, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
Điển hình là vụ Arkady Rotenberg mua hàng mỹ nghệ ở Mỹ. Để ngăn chặn những hành động tương tự, các nhà lập pháp Mỹ đã cố gắng buộc giới kinh doanh nghệ thuật phải tuân thủ các yêu cầu minh bạch thông tin như các ngân hàng. Nhưng trước làn sóng phản đối từ các nhà bán đấu giá, việc bán tác phẩm nghệ thuật ẩn danh vẫn được tiếp tục.
Bình luận