Trong cuộc trò chuyện với đài RIA Novosti của Nga, ông Pavel Filippov, Giám đốc Trung tâm khoa học Quốc gia Krylov, tiết lộ về những khả năng của chiếc siêu tiêm kích tàng hình Su-57 sau khi được hiện đại hóa đôi cánh. Ý tưởng về một chiếc tàu sân bay phi hạt nhân được phát triển theo đơn đặt hàng từ phía Hải quân Nga. Theo đó, chiếc tàu sân bay mới này sẽ có lượng giãn nước 40 nghìn tấn, chi phí 200 tỷ rúp (hơn 3 tỷ USD) và thời gian chế tạo là 5 năm.
Tại Diễn đàn Quốc tế “Army-2019”, Bộ Quốc phòng LB Nga đã ký hợp đồng mua 76 chiếc máy bay Su-57. Theo tiết lộ của ông Filippov, một số chiếc trong bản hợp đồng này sẽ được “hải quân hóa” để có thể cất hạ cánh trên chiếc tàu sân bay mới.
Diễn đàn “Army-2019” được tổ chức từ ngày 25/6 đến ngày 30/6. Tại diễn đàn, có rất nhiều mẫu vũ khí tối tân lần đầu tiên được trưng bày. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định nền công nghiệp quốc phòng của nước này đang hoàn thành xuất sắc công việc của mình bất chấp điều kiện cấm vận.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng bất chấp các lệnh trừng phạt được áp đặt hòng làm chậm tiến trình phát triển khoa học-công nghệ ở Nga, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng không chỉ đứng vững, mà còn có những động lực tăng trưởng tích cực” - ông Shoigu phát biểu.
Video: Siêu tiêm kích tàng hình Su-57 bay thử nghiệm.
Mới đây, người đứng đầu Tập đoàn Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cũng cho biết tổ hợp tên lửa “Sarmat” đang trong giai đoạn thử nghiệm hoàn tất. Các cuộc thử nghiệm cuối cùng có thể được bắt đầu vào năm 2020. Đầu năm nay, Bộ trưởng Shoigu từng đề cập đến một cuộc tái vũ trang quy mô lớn cho quân đội, đồng thời khẳng định tiến trình này hiện đang được triển khai rất thành công.
Bình luận