Đồng Rúp Nga đã mất hơn 50% giá trị so với USD từ đầu năm đến nay và điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam.
Sự mất giá của đồng Rúp chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở mức độ nào đó lên nền kinh tế Việt Nam thông qua kênh ngoại thương.
Đầu tiên phải kể đến xuất khẩu của Việt Nam vào Nga. Trên báo chí gần đây có đăng những câu chuyện về người Việt kinh doanh ở Nga gặp khó khăn thế nào khi hàng hóa nhập về từ Việt Nam được tính giá bằng USD trong khi bán ở Nga thì chỉ thu được Rúp, vốn đang mất giá mạnh từng ngày nên giá cả hàng hóa thành ra quá tầm với của nhiều người tiêu dùng Nga, buộc họ phải thắt lưng buộc bụng.
Điều này cũng có nghĩa là người kinh doanh Việt Nam không bán được nhiều hàng, và đương nhiên cũng không thể nhập được nhiều hàng từ Việt Nam sang nữa. Đây là một minh họa thực tế và sống động cho tình cảnh đang và sẽ phải đối mặt của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khách hàng nhập khẩu từ Nga.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Nga ngót nghét 2 tỷ USD (1,44 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2013). Trong cơ cấu xuất khẩu, các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện (chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga), hàng dệt may và cà phê (đều có kim ngạch trên 100 triệu USD), theo sau là thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép (đều có kim ngạch trên 50 triệu USD) và các loại nông sản khác.... Đồng Rúp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Nga
Khi đồng Rúp trở nên rẻ hơn so với USD (và tức là so với VND), đương nhiên những mặt hàng xuất khẩu chính trên trở nên xa xỉ với nhiều người tiêu dùng Nga, buộc họ phải cắt giảm mua sắm những mặt hàng này. Bởi vậy, những doanh nghiệp và ngành sản xuất những mặt hàng trên sẽ là nạn nhân trước tiên của việc đồng Rúp mất giá.
Tất nhiên là có những mặt hàng cơ bản không thể không tiêu dùng được, nhưng người Nga sẽ không nhất thiết phải cắn răng móc túi để mua những thứ hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ này. Cũng những câu chuyện về người Việt Nam ở Nga trên báo chí cho thấy đã có một số người tính đến chuyện chuyển nghề sang nuôi trồng, sản xuất ngay trên đất Nga để giảm giá thành sản phẩm.
Và như thế có nghĩa là sự mất giá của đồng Rúp một mặt làm hại cho doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có Việt Nam) xuất khẩu vào thị trường Nga, mặt khác lại có tác động tích cực đến nền kinh tế nội địa nước này.
Về mặt nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Nga ít hơn là xuất khẩu vào thị trường này (10 tháng đầu năm nay nhập khẩu 768 triệu USD). Tuy vậy, không có nghĩa là Việt Nam không bị hại gì, hoặc bị hại không đáng kể với con số nhập khẩu khá khiêm tốn này.
Khi đồng Rúp mất giá tới hơn 50% so với USD và cả với VND, hàng hóa xuất khẩu của Nga ra thế giới nói chung và vào thị trường Việt Nam nói riêng trở nên rẻ một cách bất ngờ, “chấp” tất cả các loại hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch mà Việt Nam đã dựng lên với hàng hóa của Nga. Bởi vậy, kim ngạch nhập khẩu từ Nga chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số vài trăm triệu USD như trên nữa mà có khả năng tăng lên mạnh.
Xem xét cơ cấu hàng nhập khẩu, có thể thấy những ngành sản xuất trong nước như xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, khoáng sản (quặng và than đá) v.v... có khả năng là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đây là những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga vào Việt Nam trong mấy năm qua.
Một ví dụ thực tế khác là ngay cả thời đồng Rúp đang ổn định, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã phải than trời về sự cạnh tranh của sắt thép từ Nga. Nay đồng Rúp mất giá mạnh đã tạo thêm khả năng cạnh tranh lớn hơn nhiều cho sắt thép của Nga ở trên thị trường Việt Nam.
Chưa dừng lại ở những tác động trực tiếp này, sự mất giá của đồng Rúp còn tạo ra những tác động tiêu cực khác cho Việt Nam, cũng qua kênh thương mại, mà hầu như không ai ngờ đến.
Đó là sự mất giá “ăn theo” của nhiều đồng tiền của những quốc gia lân bang chí cốt và/hoặc có liên minh, có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia, và Belarus. Mới tính đến thời điểm tháng 10 là thời điểm đồng Rúp mới chỉ bị mất giá khoảng 20% mà đồng bản tệ của các nước này cũng đã mất giá từ 5% đến gần 20% so với USD.
Điều đáng nói là một số nước này lại là thành viên của Liên minh hải quan có hiệu lực từ 1/1/2015 gồm 3 nước khởi xướng là Nga, Belarus, và Kazakhstan, và sau này kết nạp thêm Kyrgyzstan và Armenia. Với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với chỉ riêng 3 nước khởi xướng ước tính đã lên đến khoảng 4 tỷ USD trong năm 2014 thì rõ ràng tác động bất lợi của việc đồng Rúp mất giá kéo theo sự mất giá của đồng tiền các quốc gia này cho Việt Nam qua kênh thương mại như phân tích ở trên sẽ được nhân lên đáng kể.
Đáng kể hơn nữa là Việt Nam vừa hoàn tất ký hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với Liên minh này, cũng có hiệu lực từ tháng 1 năm sau. Bởi thế, FTA mà Việt Nam ký với khối này lại mở toang cửa cho hàng hóa của họ thâm nhập sâu rộng hơn nữa thị trường nội địa Việt Nam.
Trong khi thị trường của khối này lại được rào chắn một cách chắc chắn (và không cố ý!) với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhờ sự mất giá mạnh của đồng Rúp và các đồng bản tệ trong khối này, tương đương với việc họ áp thuế suất nhập khẩu hàng chục phần trăm, ngoài những rào cản phi thuế quan khác vốn đã làm nản lòng không ít doanh nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, chừng nào mà đồng Rúp và các đồng bản tệ có liên quan còn ở mức yếu và tiếp tục mất giá thì chừng đó Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng đến mức đáng kể.
Theo TS Phan Minh Ngọc/Infonet
Bình luận