• Zalo

"Dòng họ cử nhân" của người dân tộc Tày

Giáo dụcThứ Tư, 09/11/2011 08:21:00 +07:00 Google News

Đó là dòng họ Nguyễn của đồng bào dân tộc Tày, ở bản Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Đó là dòng họ Nguyễn của đồng bào dân tộc Tày, ở bản Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.


Cả dòng họ có 170 người, thì có đến 36 người có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên. Với những kết quả đạt được thật đáng tự hào đó, dòng họ Nguyễn của đồng bào dân tộc Tày ở bản Đon Thài được mọi người trong và ngoài xã gọi là “Dòng họ cử nhân”.

Đon Thài là bản miền núi, xa trung tâm huyện Na Hang, nên điều kiện phát triển kinh tế- xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Để đến được Đon Thài từ trung tâm huyện Na Hang, phải vượt qua đèo Bụt quanh co với dốc đá lởm chởm, men theo con đường mòn ven suối. Ở Đon Thài, trung bình mỗi hộ gia đình chỉ có khoảng 3 - 5 sào đất ruộng, còn lại là đất đồi rừng.

 Ông Nguyễn Quang Trung (bên phải), Trưởng dòng họ Nguyễn của người dân tộc Tày ở bản Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang đang thống kê những con em trong họ có học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng dòng họ Nguyễn tâm sự: Trước kia, người dân trong bản và dòng họ rất ít quan tâm đến việc học của con em mình, ai cũng nghĩ vào đại học khó lắm, không thể cạnh tranh với con em ở thành phố có điều kiện học tập tốt… Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, khi năm 1973, trong họ có anh Nguyễn Văn Chuyền là người đầu tiên đỗ đại học. Hiện anh Chuyền đang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang.

Cũng theo ông Trung kể, trước anh Chuyền người bé như “cái kẹo”, để đến trường phải vượt vài chục cây số đường rừng với đá núi hiểm trở, có khi còn gặp phải cả thú dữ. Vì thế, anh không dám đi một mình qua rừng, mà phải đợi các anh chị lớn tuổi trong bản cùng đi. Mỗi tháng chỉ được về nhà một lần để lấy lương thực. Những năm học phổ thông, anh luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Nỗ lực hết mình trong học tập, năm 1973 anh trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

Việc anh Chuyền thi đỗ đại học đã tạo niềm tin cho người dân nơi đây và giúp phong trào học tập trong dòng họ khởi sắc. Đến nay, trong họ có 36 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 6 người có trình độ thạc sĩ. Nhiều gia đình có 2 con đang học đại học, cao đẳng như gia đình bà Nguyễn Thị Hợp có 2 con đang học Đại học Nông lâm và Đại học Sư phạm Thái Nguyên… Hay là bà Nguyễn Thị Bờ 50 tuổi, ở bản Đon Thài có 2 người con 1 đang học đại học, 1 học cao đẳng. Chồng mất sớm, bà Bờ ở vậy một mình tần tảo làm đủ nghề để nuôi hai con ăn học. Bà Bờ tâm sự: Đời mình phải quanh năm còng lưng kham khổ với ruộng, với nương rẫy rồi, nên dù khó đến mấy cũng phải cố gắng nuôi các cháu ăn học nên người”. Được biết, để có tiền chu cấp hàng tháng cho hai con, chỉ nỗ lực trồng hơn 6 sào lúa và nuôi mấy con lợn, con gà thì không đủ. Vì thế thời gian rảnh, bà xoay xở khắp nơi để kiếm tiền, khi thì lên rừng kiếm măng, lúc lại đi làm thợ phu hồ xây dựng... Đầu học kỳ vừa rồi, để có đủ tiền cho con ăn học, người mẹ nghèo ấy vẫn phải bán vội 7 con lợn chưa đến ngày được xuất chuồng...

Để giúp đỡ các gia đình và thúc đẩy phong trào học tập, đầu năm nay dòng họ Nguyễn đã thành lập Hội khuyến học. Hội vận động mỗi thành viên trong dòng họ đóng góp 1 ngày lương với những người làm công chức, người về hưu; 10 kg thóc với những hộ làm nông nghiệp có mức thu nhập trung bình và 5 kg với những hộ nghèo. Từ số tiền và thóc thu được, Hội cho những gia đình nghèo có con đang học cao đẳng, đại học gặp khó khăn vay không tính lãi để nuôi con ăn học. Đồng thời, hàng năm Hội trích một phần quỹ để trao tặng những con em có thành tích học tập xuất sắc. Với những em đỗ đại học sẽ trao thưởng 500.000 đồng/em và từ 100.000 - 150.000 đồng/em cho những em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… Món quà không thật sự lớn, nhưng có ý nghĩa tinh thần lớn lao động viên, khích lệ các con, các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập.

Ông Phạm Ninh Thái - Chủ tịch UBND huyện Na Hang tự hào nói: Phong trào học tập của dòng họ Nguyễn của đồng bào dân tộc Tày ở bản Đon Thài, xã Côn Lôn, đang là tấm gương sáng cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Các gia đình trong và ngoài huyện luôn lấy gương hiếu học của các gia đình ở dòng họ Nguyễn, bản Đon Thài để dạy con mình.

Vũ Quang Đán
Theo Báo Tin tức

Bình luận
vtcnews.vn