• Zalo

Đồng bằng sông Cửu Long: Năng lực vận tải biển hạn chế, hiệu quả khai thác ngành hàng không thấp

Thời sựThứ Tư, 12/12/2018 20:18:00 +07:00Google News

Theo Bộ GTVT, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng biển lớn để đáp ứng nhu cầu, trong khi đó, sân bay Cần Thơ cũng chưa được khai thác hiệu quả.

Ngày 12/12, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông vân tải đã tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nếu ĐBSCL có cảng biển tốt, sân bay Cần Thơ tốt thì ĐBSCL sẽ phát triển không thua gì khu vực Miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL chưa có cảng biển lớn để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, sân bay Cần Thơ cũng chưa được khai thác hiệu quả.

dbscl

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội nghị.

Năng lực vận tải biển hạn chế

Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không). Đặc thù vận tải của vùng là vận tải bằng đường thủy phát triển, đảm nhận khoảng 70% thị phần vận tải hàng hóa và 16,6% thị phần vận tải hành khách trên toàn vùng.

Năng lực hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải biển của vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Hiện nay, 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển. Thế nhưng, có đến 80% lượng hàng hóa nói trên được xuất nhập khẩu thông qua cụm cảng vùng Đông Nam Bộ.

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT lý giải,một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do ĐBSCL chưa có cảng tiếp nhận tàu đầy tải có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong khu vực hiện nay là cảng Cái Cui (Cần Thơ). Cảng này có thể tiếp nhận tàu tải trọng 20.000 DWT nhưng chưa khai thác hết công suất do bị hạn chế của luồng sông Hậu. Đồng thời, dịch vị logistics tại đây hầu như chưa phát triển nên chưa thu hút các chủ hàng.

cai cui 3

 Cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Bộ GTVT cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thu hút, kêu gọi đầu tư một cảng có tính chất cửa ngõ vùng ĐBSCL phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực, việc lập điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại IA, cảng biển cửa ngõ cho khu vực ĐBSCL với bến cảng chính là bến cảng Trần Đề, đáp ứng cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho Vùng ĐBSCL để bổ sung vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6 là hợp lý và cần thiết.

Đánh giá ý nghĩa của việc quy hoạch, phát triển cảng Trần Đề, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Nếu chúng ta có một cảng nước sâu thì chắc chắn kinh tế xã hội của vùng sẽ có bước đột phá. Ngoài việc đưa hàng nông sản ra thế giới với giá rẻ để cạnh tranh thì nó còn tạo điều kiện cho công nghiệp của khu vực phát triển đột phá. Hàng triệu lao động của vùng hiện nay đang phải đi làm ăn tại Bình Dương, Đồng Nai có cơ hội trở về quê hương, lao động tại nhà và có thu nhập ổn định”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi tiếp thu, lấy ý kiến của các địa phương, Bộ và các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch cảng Trần Đề để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm nay.

Hiệu quả khai thác sân bay Cần Thơ còn thấp

Theo Bộ GTVT, ĐBSCL hiện có 4 cảng hàng không. Trong đó, có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc. Hai cảng hàng không nội địa là Rạch Giá và Cà Mau.

Trong khi đó, cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau có quy mô nhỏ, sử dụng kết hợp với sân bay quân sự nên khả năng khai thác hạn chế.

Mặc dù chỉ có 2 cảng hàng không quốc tế, thế nhưng hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ còn thấp so với công suất thiết kế (mới chỉ đạt 28%).

Anh 1

 Hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ còn thấp 

 “Chúng tôi vẫn muốn sân bay Cần Thơ phải là một sân bay nhộn nhịp. Nhà ga được thiết kế đón 3,5 triệu hành khách/năm, đường băng có thể khai thác tới 20 triệu hành khách/năm nhưng hiện nay chúng ta vẫn quanh quẩn 400.000 đến 500.000 hành khách/năm. Đây là một sự lãng phí lớn”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT kiến nghị các tỉnh thành phố tại vùng ĐBSCL khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không tại các cảng hàng không trong vùng, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đồng thời, kiến nghị tăng chuyến bay trải đều các khung giờ trong ngày tại cảng hàng không này.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn