Nhiều năm trở lại đây, những khán đài trống vắng người xem ở cả V-League lẫn khi đội tuyển quốc gia, U23 hay các đội trẻ thi đấu đã trở thành "đặc sản" với sân cỏ Việt Nam. Thay cho sự cổ vũ cuồng nhiệt, một bộ phận người hâm mộ giờ âu lo, ngán ngẩm xen lẫn với những chỉ trích dành cho bóng đá nước nhà. Tại sao bóng đá Việt Nam bị khán giả quay lưng? Dọn sạch 7 "mầm hoạ" này, chắc chắn các sân bóng Việt Nam sẽ đầy ắp khán giả.
1. Bóng đá nhàm chán thống trị V-League
Người hâm mộ bỏ tiền, bỏ thời gian đến sân suy cho cùng là để thưởng thức những màn so tài hấp dẫn ở đẳng cấp cao. Các trận đấu càng ganh đua quyết liệt, càng mang tính giải trí thì càng có cơ hội thu hút người xem. Đó là cái V-League hiện nay rất thiếu.
Phần đông các đội bóng V-League chuộng lối chơi phụ thuộc cầu thủ ngoại, đặt một hoặc hai tiền đạo ngoại có thể hình to cao cắm trên hàng tấn công rồi thực hiện lối chơi phất - tạt và phó mặc "hàng Tây" xử lý. Hầu hết các đội đều có tiền đạo ngoại đá cắm, và hiển nhiên thứ bóng đá nhàm chán, đơn điệu này không thể thu hút người xem.
Không nhiều đội bóng dám đi ngược lại công thức truyền thống này, bởi sức ép thành tích, danh hiệu quá lớn. Thậm chí, nhiều đội bóng còn "lách luật", nhập tịch để tăng thêm số cầu thủ ngoại trong đội hình.
Việc các cầu thủ ngoại sở hữu vai trò quá lớn khiến cầu thủ nội bị lu mờ, vô hình chung khiến khán giả càng ngoảnh mặt với V-League. Bởi chứng kiến cầu thủ Việt Nam tỏa sáng vẫn hơn là nhìn "ông Tây" nào đó mải miết gồng gánh đội nhà hết vòng này qua vòng khác.
2. Bạo lực sân cỏ
Câu chuyện muôn thuở của V-League vẫn chưa có lời giải đáp. Trái lại, bạo lực ở V-League ngày càng có chiều hướng gia tăng dù những án phạt đã được đưa ra để răn đe các cầu thủ. Pha phạm lỗi của Hoàng Vũ Samson với Châu Ngọc Quang. pha giật trỏ của Văn Quyết hay cú xoạc bóng khiến nhiều người ám ảnh của Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa,... là những hình ảnh khiến bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng méo mó đi nhiều.
Video: Văn Quyết đánh hụt Nghiêm Xuân Tú
Bạo lực khiến V-League mất đi tính nhân văn đơn thuần của thể thao. Có người hâm mộ nào muốn theo dõi bóng đá nước nhà để chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như vậy?
3. Sự thiếu chuyên nghiệp của một số đội bóng
Có lẽ không nhiều giải đấu trên thế giới chứng kiến nhiều câu chuyện "trời ơi đất hỡi" như V-League, khi có không ít đội bóng tham dự giải chuyên nghiệp với tinh thần... thua cả đội bóng nghiệp dư. Đổi tên, bỏ giải, ngừng thi đấu để phản đối quyết định của trọng tài,... hay điển hình là sự cố đứng yên để mặc đối thủ ghi bàn của Long An - sự cố khiến bóng đá Việt Nam xuất hiện trên báo quốc tế theo cách không thể tồi tệ hơn.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định: Phải có các đội bóng chuyên nghiệp thì V-League mới có cơ hội chuyên nghiệp. Nhưng đội bóng chuyên nghiệp ấy giờ tìm thấy ở đâu?
Sự thiếu chuyên nghiệp của một số đội bóng không thể mang đến cho họ những cổ động viên nhiệt tình, trung thành. Những khán đài vắng lặng là câu trả lời thuyết phục nhất của khán giả dành cho cách mà các đội bóng đã dành cho họ!
4. Công tác tổ chức còn nhiều thiếu sót
Ban tổ chức V-League không thể đứng ngoài cuộc trong sự đi xuống của giải đấu này. Những án phạt gây phẫn nộ trong dư luận hay công tác điều hành, tổ chức còn nhiều thiếu sót khiến V-League gặp nhiều trục trặc trong nhiều rất nhiều vòng đấu.
Vụ xử phạt Hoàng Vũ Samson là minh chứng, khi ban kỷ luật để cựu tiền đạo Hà Nội FC trắng án dù hành vi phạm lỗi của cầu thủ này là rất rõ ràng. Trong sự cố của CLB Long An, ban tổ chức V-League cũng phản ứng quá chậm. Nếu trưởng ban tổ chức Nguyễn Minh Ngọc và cựu chủ tịch VPF hành động nhanh và quyết liệt hơn, những hành động phản cảm của các cầu thủ Long An có thể đã được ngăn chặn.
Video: Hoàng Vũ Samson đạp Châu Ngọc Quang
5. Khoảng cách quá lớn giữa đội bóng và cổ động viên
Cổ động viên là tài sản lớn nhất của các CLB cũng như bóng đá nói chung. Muốn phát triển bền vững, các đội bóng phải sở hữu nền tảng là lực lượng cổ động viên đông đảo, trung thành.
Bên cạnh bóng đá, những hoạt động bên lề kết nối cổ động viên là điều rất cần thiết. Nhưng hiện tại, hầu như không đội bóng Việt Nam nào có những hoạt động hướng tới cổ động viên. Các cầu thủ đơn giản là ra sân đá bóng mỗi cuối tuần, và... hết. Cổ động viên đến cũng được, không có cũng không sao.
Ở các nền bóng đá phát triển, trọng trách gắn kết và đến gần với cổ động viên luôn được đề cao. Đơn cử như Ngoại hạng Anh, các cầu thủ thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện, gắn kết cộng đồng, hỗ trợ bóng đá trẻ,... dưới danh nghĩa CLB. Khi sang thi đấu cho Mito Hollyhock, Công Phượng từng đứng phát tờ rơi ở ga tàu. Đây cũng là một trong những hoạt động của các đội bóng Nhật Bản, để đưa CLB đến gần hơn với người hâm mộ.
6. V-League "thật giả lẫn lộn"
Lý giải về thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, BLV Quang Huy cho rằng V-League thiếu tính thực chiến, không có những trận đấu thực sự quyết liệt nên các cầu thủ không được rèn luyện bản lĩnh. Thực trạng các đội bóng "xuê xoa", nể nang nhau, đá không hết sức,... không phải điều gì quá xa lạ với V-League. Số trận đấu "thật" đúng nghĩa của nó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ai muốn mất công đến sân để xem kịch?
7. Thất bại của các cấp độ đội tuyển
10 năm sau chức vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam vẫn mải miết tìm kiếm những danh hiệu ở đấu trường khu vực. Đội tuyển Việt Nam không phải không có cơ hội, nhưng chúng ta luôn gục ngã trước ngưỡng vinh quang theo cách rất... khó hiểu. Sai lầm sơ đẳng, tâm lý yếu kém của các cầu thủ là nguyên nhân chính. Thua vì mình tự thua luôn gây ức chế cho người xem. Khán giả Việt Nam đã phải hứng chịu sự ức chế đó quá lâu, quá nhiều lần qua từng giải đấu.
Để rồi, những thất bại khó hiểu cứ đẩy đội tuyển xa dần niềm tin của người hâm mộ. Thất bại ở bán kết AFF Cup 2014 hay vòng bảng SEA Games 29 bị nghi ngờ dính dáng đến tiêu cực - biểu hiện của sự mất niềm tin đã lên đến đỉnh điểm.
Bình luận