Video: CSGT Hà Nội dẫn đường cho đoàn người vượt 2.000 km từ Bình Dương về quê
Những ngày qua, hàng nghìn lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ồ ạt trở về quê tránh dịch. Việc từng đoàn người tự chạy xe máy đi cả nghìn km tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng và có thể làm lây lan dịch bệnh.
Trước thực trạng này, ngày 7/10, Thủ tướng ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp đưa, đón người dân về quê an toàn, chu đáo, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã lên kế hoạch đưa đón các công dân địa phương về với gia đình, tất cả được yêu cầu cách ly.
Tỉnh miền Tây hỗ trợ tiền và gạo
Đến sáng 8/10, các địa phương ở miền Tây vẫn đang tiếp nhận nhiều người dân trở về từ vùng dịch. Các địa phương đã phản ứng nhanh để tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế bảo đảm an toàn theo quy định.
Tại Cần Thơ, ngày 8/10, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trước tình hình người dân từ các vùng dịch trở về tăng đột biến, địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức tiếp nhận.
Theo kế hoạch, TP Cần Thơ duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ và tổ chức xét nghiệm nhanh miễn phí cho người dân.
Các chốt kiểm soát trang bị chỗ ngồi có mái che, đảm bảo an toàn, trật tự, tuân thủ giãn cách. Hỗ trợ thức ăn, nước uống khi người dân ngồi chờ, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, xe cứu thương, đội ngũ y tế đảm bảo phục vụ cấp cứu tại các chốt kiểm soát.
Ngoài ra, người cách ly y tế tập trung được hỗ trợ tiền ăn mức 80 nghìn đồng/người/ngày. Trường hợp cách ly y tế tại nhà được hỗ trợ gạo theo mức 15kg/người và hỗ trợ khẩn cấp với mức 500 nghìn đồng/người.
Kiên Giang cũng vừa ban hành phương án phòng chống COVID-19 đáp ứng tình huống có nhiều người từ các tỉnh trở về. Theo đó, ngay tại điểm tập kết ở cửa ngõ của tỉnh, người dân sẽ được hướng dẫn khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp dương tính được đưa đến cơ sở thu dung điều trị COVID-19 bằng phương tiện chuyên dụng.
Các trường hợp âm tính được đưa về điểm tập kết của huyện, thành phố. Tại đây, tổ công tác giải thích cho công dân hiểu rõ về quy định cách ly y tế tại nhà, hướng dẫn công dân ký cam kết việc chấp hành các quy định cách ly y tế tại nhà; Thông báo cho từng xã, phường, thị trấn cử lực lượng đến tiếp nhận và tổ chức phương tiện dẫn đường đưa công dân về đến điểm tập kết của từng xã, phường, thị trấn để cách ly tại nhà.
Những trường hợp tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày.
Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, người tiêm đủ liều nhưng liều cuối cùng chưa đủ 14 ngày hoặc quá 12 tháng; người đã khỏi bệnh COVID-19 quá 6 tháng thì áp dụng cách ly 14 ngày.
Các trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức cách ly tại nhà như trong nhà có người lớn tuổi, có bệnh nền nhưng không có phòng riêng để cách ly thì bố trí đưa đến khu cách ly tập trung của huyện, thành phố.
Những trường hợp cả gia đình người cách ly đều là F1 hoặc có hoàn cảnh khó khăn sẽ được địa phương hỗ trợ cung cấp thực phẩm, các nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến tận nhà.
Đặc biệt, tại cuộc họp giao ban kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, địa phương thống nhất chủ trương chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người cho những người dân trở về địa phương.
Tại Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cho biết, tất cả người về từ địa phương khác đều phải cách ly tập trung.
Trong đó, người tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tập trung 3 ngày (có xét nghiệm PCR trong thời gian cách ly). Sau đó, các trường hợp này phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Nếu người trở về từ địa phương khác đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tập trung 7 ngày, cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Đối với với người chưa tiêm vaccine phải cách ly đủ 14 ngày. Sau 4 lần xét nghiệm âm tính sẽ được cho về theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Địa phương cũng kịp thời huy động các nguồn lực để bố trí đầy đủ các điều kiện ăn, nghỉ cho người dân tại các cơ sở cách ly. Dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng vẫn miễn phí toàn bộ chi phí xét nghiệm, cách ly với những người trở về từ địa phương khác.
Tại An Giang, đến thời điểm này tỉnh đã tiếp nhận gần 44.000 người dân từ địa phương khác trở về. Hiện mỗi ngày địa phương tiếp nhận khoảng 3.000 người trở về.
Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để người dân thiếu đói.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể các cấp ở An Giang cũng nỗ lực chăm lo, nấu cơm nấu cháo, mì gói, bánh mì, cung cấp nước uống, thuốc men... để người dân yên tâm, cảm thấy ấm lòng khi được quê hương đùm bọc.
Theo UBND tỉnh An Giang, ở những nơi điều kiện nhà ở không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí.
Lần đầu mở hầm Hải Vân để dân chạy xe máy về quê
Từ khuya 6/10, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng phối hợp nhiều lực lượng chức năng tổ chức cho đoàn xe máy của người dân từ các tỉnh miền Nam về quê tự phát qua hầm Hải Vân, thay vì xe máy lưu thông đường đèo Hải Vân như những ngày trước.
Theo đó, thay vì sử dụng ô tô trung chuyển đoàn người về quê bằng xe máy tự phát như chính quyền TP Đà Nẵng đề nghị, đêm 6/10, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả mở cửa hầm Hải Vân để tạo thuận lợi cho người dân di chuyển an toàn trong thời tiết mưa rất lớn.
Ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân từ các tỉnh/thành phía Nam về quê thì TP Đà Nẵng sẽ lên kế hoạch và tổ chức những chuyến bay miễn phí để đón công dân của mình đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam có nguyện vọng về quê. Người về quê phải trả phí xét nghiệm, phí cách ly và ăn uống (nếu có).
Các nhóm người được ưu tiên đón về quê gồm: phụ nữ mang thai và chồng, con đi cùng; người thân của những người mất vì COVID-19 về để lo tổ chức tang lễ; người đi trị bệnh có giấy xuất viện trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây; người từ 70 tuổi trở lên.
Tại Thừa Thiên – Huế, chiều 5/10, chuyến bay VJ 3494 của Hãng Hàng không VietJet Air từ TP.HCM hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đưa 231 công dân trở về tỉnh Thừa Thiên - Huế; trong đó, có 149 phụ nữ mang thai, còn lại là những người thân đi cùng.
Chuyến bay được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế hợp đồng với Hãng Hàng không VietJet Air miễn phí đưa bà con trở về. Sau khi hạ cánh, toàn bộ công dân được hỗ trợ test nhanh COVID-19 và đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, khoảng 3 ngày qua, mỗi ngày có hàng nghìn người đi bộ và các phương tiện tự túc từ các tỉnh, thành phía Nam về quê và đi ngang Thừa Thiên – Huế. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng tỉnh này phối hợp với TP Đà Nẵng đón người dân ngay khi vừa qua hầm Hải Vân.
Những công dân này sau đó được lực lượng chức năng hướng dẫn, phân làn để thực hiện khai báo y tế. Những người về Huế sẽ được tổ chức đưa đi cách ly và những người về địa phương khác được lực lượng CSGT dẫn đường đưa đi hết địa phận Thừa Thiên – Huế và bàn giao cho tỉnh Quảng Trị.
Đối với những công dân đi bộ, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng bố trí xe buýt để chở họ đi hết địa bàn tỉnh. Riêng những xe bị máy bị hỏng, luôn có một đội tình nguyện sẵn sàng sửa tại chỗ phục vụ công dân về quê an toàn. Tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống để hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, tại ven đường tránh TP. Huế, đoạn qua thị xã Hương Trà, chính quyền địa phương cũng bố trí những lều dã chiến để người dân có thể trưng dụng làm chỗ trú mưa hoặc nghỉ ngơi dưỡng sức trước khi tiếp tục hành trình về quê.
Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đón gần 20.000 người dân về quê, trong đó có 2.200 công dân đón bằng tàu hỏa và máy bay.
“Tất cả các trường hợp đi qua địa bàn tỉnh nếu có theo con nhỏ, Hà Tĩnh sẽ bố trí xe tình nguyện, chở cả gia đình từ đèo Ngang để giúp họ hạn chế quãng đường di chuyển, hạn chế tình trạng ách tắc. Đối với những trường hợp đặc biệt là trẻ em, tỉnh thuê xe cho chở ra tận các tỉnh phía Bắc”, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay.
Đối với những người là công dân Hà Tĩnh, khi về đến đèo Ngang sẽ được chia ra theo từng huyện và cách ly. Hiện nay, tỉnh cũng đang lên kế hoạch đón 1.600 học sinh và trên 300 thai phụ trong những ngày tới.
Cảnh sát dẫn đường hỗ trợ đoàn người hồi hương
Tại Hà Nội, nhiều ngày nay, lực lượng chức năng tăng cường tại các chốt trực ở cửa ngõ ra vào Thủ đô để kịp thời hỗ trợ người dân. Khi đến chốt số 1 Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên), tất cả người hồi hương đều dừng xe, khai báo y tế. Lực lượng chức năng tại chốt tổ chức đón tiếp, tặng bánh kẹo, nước uống, hỗ trợ làm thủ tục nhanh. Lực lượng Công an TP Hà Nội còn chuẩn bị xe dẫn đoàn tham gia giao thông để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Theo trung tá Bùi Ngọc Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 8 Công an TP Hà Nội, lực lượng kiểm tra giấy tờ của những người dân từ miền Nam trở về theo quy định, đề nghị khai báo y tế trước khi cho xe dẫn đoàn đến cầu Trung Hà điểm giáp ranh với tỉnh Phú Thọ. Công an TP Hà Nội cũng liên hệ với Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị tiếp nhận, giúp đỡ người dân tiếp tục di chuyển về quê ở các tỉnh phía Bắc.
Tỉnh Thái Bình ngày 7/10 phát đi văn bản hoả tốc về kế hoạch hỗ trợ, tổ chức đón công dân từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về địa phương.
Cụ thể, những công dân này gồm: phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già yếu từ đủ 65 tuổi trở lên, người bệnh (không thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm gây dịch), học sinh, sinh viên; giáo viên, người đi công tác theo phân công của các cơ quan, tổ chức; các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật của doanh nghiệp; người đi du lịch, thăm thân đang bị mắc kẹt; người lao động nhưng đang trong thời gian không có việc làm và một số trường hợp đặc biệt khác.
Công dân được đón bằng các phương tiện máy bay, tàu hoả, ô tô (sẽ có phương án cụ thể cho từng đợt) từ các địa phương trên khi trở về phải được cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly. Nơi cách ly tập trung phân theo địa bàn của các huyện, thành phố, người của huyện, thành phố nào thì đưa về cách ly tập trung tại huyện, thành phố đó.
Tại tỉnh Yên Bái, đến thời điểm hiện tại, có 1.294 người đăng ký về tỉnh. Trong đợt 1 tỉnh Yên Bái lên kế hoạch đón 460 người vào ngày 14/10. Đây là những người có hộ khẩu ở Yên Bái nhưng đang tạm trú/lưu trú tại TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... và có nguyện vọng trở về tỉnh Yên Bái do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe trong quá trình di chuyển.
Nhóm được ưu tiên gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân; người đi công tác bị mắc kẹt vì dịch; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng. Nhóm tiếp theo là lao động tự do; người lao động bị mất việc làm; nhóm học sinh, sinh viên và các đối tượng khác.
Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các lực lượng chức năng bố trí cán bộ để tiếp nhận và phương tiện đưa, đón toàn bộ số công dân từ các địa phương phía Nam về quê. Trong đó, tất cả trẻ em, phụ nữ có thai, người ốm đau, bệnh tật hoặc phương tiện bị hỏng được lực lượng công an tỉnh bố trí lên xe ô tô chuyên chở đến các địa phương.
Cùng với đó, huyện Tam Nông cũng bố trí lực lượng hỗ trợ chuẩn bị nước uống, bánh mì, sữa và tặng hàng nghìn suất cơm miễn phí do các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ... giúp người dân nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe để tiếp tục hành trình.
Sơn La cũng tăng cường lực lượng công an, y tế hỗ trợ tại các chốt kiểm soát; quyết liệt rà soát, nắm bắt nhu cầu người về trên địa bàn; kêu gọi người dân trước khi về thông báo cho chính quyền địa phương để bố trí phương án đón, cách ly gắn với việc chấn chỉnh, siết chặt quản lý việc thực hiện cách ly, không để lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Ngành y tế tỉnh Sơn La thực hiện xét nghiệm nhanh miễn phí cho những người dân trở về từ 4 tỉnh Bình Dương, Long An, TP.HCM, Đồng Nai ngay tại các chốt kiểm soát; các chốt phối hợp thực hiện đưa người về các khu cách ly.
Bình luận