Mấy ngày hôm nay trên mạng xã hội tràn ngập “bức tâm thư” được cho là của cả trăm cựu cầu thủ gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch, khẩn thiết đề nghị chấn chỉnh bóng đá Việt Nam. Tò mò về sự chấn động của “quả bom” vốn được kích hoạt đúng thời điểm mùa giải chuẩn bị khép lại, tôi đã cố gắng đọc cho bằng hết những điều mà các chuyên gia trăn trở.
Và cuối cùng, tôi quyết định có vài lời cần phải trao đổi với các chuyên gia bóng đá, những người đang ôm mộng chấn hưng bóng đá nước nhà.
Trước hết, tôi thắc mắc là dù có đến gần hai chục năm theo dõi bóng đá, cũng ưa tìm hiểu mày mò những tôi vẫn chỉ tìm được vài người quen trong bức tâm thư. Có lẽ phần đa trong số các ông thuộc lứa quá xưa cũ đến nỗi bụi thời gian phủ mờ nên phần đông dư luận chẳng nhớ nổi là ai?
Tôi nhắc đến điều này bởi có một cựu danh thủ của đội Bưu Điện bảo: “Tôi cũng chẳng nhớ tên mấy ông kí trong đơn. Có người mang đơn đến đội lão tướng Bưu Điện nhưng chúng tôi không kí vì thấy không đúng. Đội lão tướng Công an Hà Nội cũng không kí đơn kiến nghị vì không tán đồng quan điểm. Mà cái đám ấy mới nhiều nhân vật sừng sỏ”.
Nghe đến đây tôi mới sực nhớ là làng bóng đá rộng lắm. Vẫn còn nhiều người không tán đồng với cách tiếp cận vấn đề của các ông. Nó cũng giống như bàn tay chúng ta có hai mặt vậy. Sự đúng-sai, chân lý-hay phi nghĩa, tâm huyết hay mưu đồ đôi khi chỉ là do góc nhìn...
Thế mới có chuyện, cơ quan điều tra đã xác định quan chức VFF không có hành vi nhận hối lộ nhưng trong đơn các ông mới chỉ nêu một nửa sự thật là họ bị tố cáo nhận hối lộ. Nửa cái bánh mì là cái bánh mì, nhưng nửa sự thật là nhẫn tâm, là dã tâm đen tối đấy, thưa các chuyên gia đầy trách nhiệm!
Tôi lại nhớ đến vấn đề khiến các ông bức xúc là giới chóp bu ở VFF hiện nay thiếu những con người xuất phát từ giới cầu thủ. Và do thiếu chuyên môn nên không đủ uy tín để dẫn dắt nền bóng đá đi đến thành công.
Ồ, lại nói đến cái gọi là uy tín, tôi nhớ không nhầm là một nhân vật xuất chúng nhất trong nhóm các chuyên gia đang ra sức bàn chính sự từng chạy đua vào chức danh Phó Chủ tịch VFF năm 2009. Thế mà chẳng hiểu vì sao, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao Đại hội VFF không tin tưởng giao phó trọng trách cho nhân vật ấy để rồi từ đó đến nay, VFF luôn bị chỉ trích là không tầm, thiếu dấu ấn chuyên môn.
Ồ, lại nói đến chuyên môn ở tổ chức điều hành bóng đá tôi lại sực nhớ đến một điều, trên thế giới không biết có bao nhiêu cựu cầu thủ làm làm nhà quản lý bóng đá giỏi? Chủ tịch FIFA bao nhiệm kì qua hình như không xuất thân từ cầu thủ. Chắc, tổ chức này kém cỏi, bảo thủ đến mức không chịu mở rộng vòng tay với những nhà chuyên môn vốn rất giỏi món đá bóng.
Lại nữa, cả VFF trong quá khứ cũng vậy. Các ông chủ tịch trong quá khứ như: Đoàn Văn Xê, Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực, Trần Duy Ly, Nguyễn Trọng Hỷ cũng không phải là dân bóng đá, họ chỉ giỏi một một nghề, đó là quản lý!
Tôi lại tự nhủ, tại sao các nhà tổ chức thích chọn những nhà quản lý giỏi ngồi ghế cao ở VFF thay vì chọn những người được cho là chuyên gia đá bóng? Muôn vàn câu hỏi vì sao xuất hiện trong đầu tôi. Tôi lại phải tự đưa ra lời giải thích cho riêng mình là VFF không hẳn là một cơ quan quản lý bóng đá thông thường, tổ chức này còn mang chức năng của một siêu công ty.
Công việc của VFF không chỉ là lấy tiền ngân sách, tổ chức trận đấu, tổ chức đội tuyển như bóng đá thời bao cấp. Họ phải kinh doanh, phải tiếp thị, phải đối ngoại để tạo ra dòng tiền nuôi bóng đá và cơ man những việc liên quan đến đồng tiền bát gạo, hay hoạch định sách lược, thậm chí phải đấu tranh vì quyền lợi của bóng đá nước nhà trên đấu trường quốc tế.
Và thế nên, ngồi ở ghế cao ở VFF phải là những người có nghề về quản lý, giỏi về đối nội, thông về đối ngoại, am hiểu chính sách, biết quản lý kinh tế thì mới kham nổi cả núi công việc. Không biết, câu trả lời của tôi như thế có đúng không, thưa các chuyên gia?
Nghề đá bóng khác nghề quản lý rất nhiều. Tôi và cả các ông biết rõ điều đó. Nhưng, có điều, ngay cả lĩnh vực các ông thông tỏ nhất vẫn thấy những quan điểm sai lầm đến ấu trĩ. Trong tâm thư, các ông đề nghị lãnh đạo ngành thể thao phải làm thế này, phải làm thế khác theo hướng thay đổi lãnh đạo VFF. Đã là người hoạt động bóng đá dù hời hợt nhất thì cũng phải hiểu về mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của VFF, một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ở đó, nhân sự, bộ máy hoạt động của VFF do Đại hội bầu và FIFA tuyệt đối cấm chuyện can thiệp vào hoạt động của các Liên đoàn bóng đá. Nhiều liên đoàn đã bị cấm vận vì chính phủ can thiệp. Thế mà, những chuyên gia bóng đá lại tư vấn sai với lãnh đạo ngành thể thao thì tôi không thể hiểu, tầm tư duy, sự am hiểu về luật, hay động cơ của các ông là gì?
Thôi thì kiến văn của tôi hữu hạn nên chỉ có vài lời để trao đổi. Chúc các chuyên gia khỏe, tiếp tục cống hiến, phản biện vì bóng đá nước nhà trên cái tâm trong sáng.
Bình luận