• Zalo

Đội tuyển Triều Tiên sau World Cup 2010: Có bị đấu tố, đưa vào trại cải tạo?

Thể thaoThứ Tư, 05/04/2017 15:20:00 +07:00Google News

Đội tuyển Triều Tiên dù thất bại ở World Cup 2010, nhưng không có chuyện đội tuyển bị phạt tống giam hay đưa vào trại cải tạo như tin đồn bấy lâu.

“Sân bóng chia làm hai”, An Yong-hak kể lại. “Bạn bước vào sân phía bên này, bên phải là đội tuyển Triều Tiên và bên trái là Brazil. Khi tôi bước ra họ đang khởi động, nhìn như trong trò chơi điện tử. Thật đáng kinh ngạc. Kaká, Robinho, Maicon. Màu áo vàng. Cả buổi tối như sáng bừng lên. Tôi không thể tin nổi. Tôi cũng phải khởi động, nhưng lúc đấy tôi không tài nào tập trung được”.

north_korean_copy_ZCDK

 Số phận thật sự của đội tuyển Triều Tiên luôn là bí ẩn với thế giới.

Jong Tae-se cũng chia sẻ cảm giác đó. “World Cup chính là Brazil”, anh nói đơn giản. “Thật ra tôi đã khóc khi khởi động. Ánh sáng chói mắt, tôi không nhìn thấy gì. Mọi thứ như trong một buổi nhạc hội, tôi là người trình diễn. Đội tuyển Brazil đang khởi động ngay cạnh chúng tôi. Ở Nam Phi lúc đó rất lạnh, tôi thở ra hơi nước”.

Những giọt nước mắt không dừng ở đó, Jong lại khóc khi quốc thiều Triều Tiên được cử lên. “Tôi đã nghe bản nhạc đó trên truyền hình nhiều lần”, Jong nói khi bài Aegukka (Ái quốc ca, tức Bài ca yêu nước) vang vọng trên sân Ellis Park. “Tôi đã không kềm chế được cảm xúc”. 

Sự nhạy cảm đó là dễ hiểu: đấy mới là lần thứ hai Triều Tiên tham dự World Cup, sau giải ở Anh năm 1966, nhưng là lần đầu tiên bản Ái quốc ca được cử lên ở một kỳ World Cup (năm 1966, quốc thiều chỉ được cử trong trận khai mạc và chung kết). “Ai cũng nói nam nhi thì không khóc, nhưng tôi chẳng nghĩ gì tới chuyện đó”, Jong nói. “Tôi có cảm xúc, tôi giận dữ, buồn, vui, và hạnh phúc”.

Video: Jong Tae-se rơi nước mắt khi hát Quốc ca Triều Tiên

Những người con sinh ra nơi đất khách

Trước khi chia cắt vào năm 1948, Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản, từ năm 1905 cho tới khi Nhật Bản bại trận trong Thế chiến thứ hai. Mỹ và Liên Xô đều muốn giành quyền kiểm soát bán đảo này, chiến tranh nổ ra, và dân tộc Triều Tiên bị chia cắt cho tới giờ. 

Trong 35 năm Nhật Bản chiếm đóng, nhiều người Triều Tiên đã sang Nhật, và gần 40 năm sau khi sự cai trị của Nhật Bản chấm dứt, Jong ra đời ở Nagoya ngày 2/3/1984. Anh là con út trong một gia đình có 3 người con, một trong khoảng 450.000 người Triều Tiên thế hệ thứ hai và thứ ba sống ở Nhật Bản, một zainichi (“tại Nhật”, viết tắt của “tại Nhật Hàn Quốc Triều Tiên nhân”, tức người Hàn Quốc và Triều Tiên sống ở Nhật Bản).

Gia đình anh tới đó từ trước thế chiến khi Hàn Quốc vẫn còn thống nhất và Jong đi học ở Nhật Bản, tại các trường thuộc về cộng đồng người Bắc Triều Tiên.

Anh bị phân biệt đối xử không ít khi còn nhỏ. “Người Nhật sẽ hỏi tôi, mày có mùi kim chi, mày đã đánh răng chưa, và tôi sẽ đáp lại, mày có mùi shoyu (nước tương) và takuwan (củ cải ngâm dấm). Đó là chuyện thường tình thời bấy giờ”. 

Jong Tae-se là 1 trong những cầu thủ Triều Tiên sinh ra ở Nhật Bản luôn hết mình phụng sự đội bóng quê hương

 Jong Tae-se là 1 trong những cầu thủ Triều Tiên sinh ra ở Nhật Bản luôn hết mình phụng sự đội bóng quê hương.

Nhưng trên sân bóng, không ai dám chế giễu Jong. Anh chơi nổi bật và năm 2006 được mời về đội J.League Kawasaki Frontale. Anh có trận ra mắt ĐT Triều Tiên năm sau đó trong trận vòng loại Cúp Đông Á gặp Mông Cổ mà Jong đã ghi 4 bàn. Anh lại ghi 4 bàn nữa vào lưới Macau, trước một trận hòa không bàn thắng với Hong Kong.

Anh giải thích về lý do mình chọn Chollima (Thiên lý mã, biệt danh của đội tuyển Triều Tiên) thay vì Nhật Bản, nơi anh sinh ra: “Ông bà tôi đã bị phân biệt đối xử rất nhiều, bị cưỡng bức đến đây, nên tôi không muốn đổi quốc tịch”.

Anh cũng có thể chọn Hàn Quốc, bởi cha Jong có hộ chiếu Hàn Quốc, nhưng Jong chưa bao giờ phải suy nghĩ nhiều: “Tôi đi học một trường được Triều Tiên tài trợ ở Nhật Bản, nơi dạy chúng tôi về lịch sử Triều Tiên. Dù tôi có hộ chiếu Hàn Quốc, tôi không thấy muốn đá cho Hàn Quốc. Cảm xúc với tôi là quan trọng nhất”.

Câu chuyện của An cũng giống vậy. Anh cũng là con út trong gia đình, học trường Triều Tiên ở Nhật Bản trước khi khoác áo đội Đại học Rissho ở Saitama. Sau khi tốt nghiệp năm 2002, anh chơi cho đội hạng Nhì Albirex Niigata, giúp họ thăng hạng với chức vô địch.

Sau đó An chuyển sang vài CLB Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi trở lại J.League 2 với Yokohama FC, đội bóng của huyền thoại Kazuyoshi Miura, người vẫn đang miệt mài chơi bóng ở tuổi 50. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, nhưng quốc tịch của tôi là Chōsen - không phải là Bắc Triều Tiên, mà là, Chōsen (Triều Tiên)”, anh giải thích, dùng từ tiếng Nhật chỉ đất nước Triều Tiên thống nhất.

An Yong-hak cũng là 1 zainichi được tập hợp để đưa bóng đá Triều Tiên phát triển

 An Yong-hak cũng là 1 zainichi được tập hợp để đưa bóng đá Triều Tiên phát triển.

Lớn hơn Jong 5 tuổi rưỡi và không nổi tiếng bằng người hậu bối (biệt danh “Rooney Nhân dân”), An cũng quan tâm tới tình hình chính trị hơn, trong bối cảnh quan hệ tay ba Nhật-Hàn-Triều cực kỳ phức tạp. Trận ra mắt Triều Tiên của anh cũng chính là gặp Hàn Quốc, một trận giao hữu diễn ra vài tháng sau khi đội bóng của Guus Hiddink gây bất ngờ với việc vào tới bán kết World Cup 2002. 

“Họ đã vào bán kết. Hong Myung-bo, Ahn Jung-hwan, họ đã chơi thật phi thường”, An nhớ lại. “Tôi cũng ủng hộ họ vì chúng tôi cùng một dân tộc. Tôi đã mặc áo đấu của Hàn Quốc và xem trận đấu qua truyền hình nên khi đá trận giao hữu Bắc-Nam một nhà đó, tôi thấy trải nghiệm đó thật tích cực.

Các cầu thủ và người dân thì rất hữu hảo, nhưng chính trị thì lại không… Tôi thấy hơi buồn. Tôi sống ở đây và biết Nhật Bản có nhiều điều tốt đẹp, Triều Tiên cũng vậy. Thật tiếc là giờ lại có quá nhiều thứ tiêu cực”.

Video: Văn Thanh ghi bàn vào lưới Triều Tiên

Ký ức không thể nào quên

Cơ hội chơi ở World Cup cũng đã khiến Jong và An suy nghĩ nhiều hơn khi chọn đội tuyển Quốc gia. Ngày 17/6/2009, bàn gỡ hòa của Park Ji-sung ở phút 82 vào lưới Iran giúp Hàn Quốc có 1 điểm, đồng nghĩa với việc Triều Tiên chỉ cần 1 điểm trong trận cuối của họ ở bảng B gặp Saudi Arabia ở vòng loại châu Á để dự cúp thế giới.

Trận đấu đó diễn ra ở Riyadh 6 tiếng sau trận Iran-Hàn Quốc (Hàn Quốc đã giúp những đồng bào của mình một tay, bởi họ thua trận, thì Triều Tiên sẽ phải thắng). An, Jong và các đồng đội đã làm được, một trận hòa không bàn thắng.

“Chơi ở World Cup là một giấc mơ lớn”, An nói về cảm xúc của anh sau hồi còi chung cuộc. “Với tôi đó là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Tôi đã không ngăn được nước mắt”. 

Triều Tiên đã bất ngờ giành vé đến Nam Phi 2010 sau trận hòa nhọc nhằn trước Saudi Arabia

 Triều Tiên đã bất ngờ giành vé đến Nam Phi 2010 sau trận hòa nhọc nhằn trước Ả Rập Xê-út.

Rất nhanh chóng, báo chí thế giới bắt đầu hướng sự chú ý vào Triều Tiên, và đoạn video quay lại bàn thắng lịch sử của Pak Doo-ik loại Italy ở Anh năm 1966 được khai quật. Tuy nhiên, Jong chưa bao giờ kỳ vọng điều tương tự ở Nam Phi. “Vào thời đó bóng đá chưa ở đẳng cấp cao như bây giờ”, anh nói. “Tình hình năm 1966 hoàn toàn khác với năm 2010”.

Tình hình càng thêm khó khăn khi đội bóng của HLV Kim Jong-hun rơi vào một trong những bảng đấu khó nhất giải, bảng G với Brazil, Bồ Đào Nha, và Bờ Biển Ngà. “Mọi người đều nghĩ Triều Tiên sẽ thua hết các trận vòng bảng, và trong thâm tâm tôi cũng nghĩ thế, nhưng tôi cũng biết chỉ cần ghi được 1 bàn thì chúng tôi sẽ có hy vọng chiến thắng, bóng đá là thế”. 

An Yong-hak cùng các đồng đội đã có trận ra quân quả cảm trước đội bóng hùng mạnh Brazil của Kaka

An Yong-hak cùng các đồng đội đã có trận ra quân quả cảm trước Brazil của Kaka. 

Và tới giờ nghỉ trận đầu tiên của họ gặp Brazil, tưởng như điều đó đã xảy ra. Đối thủ của Triều Tiên chơi bế tắc. “Họ hóa ra cũng là con người”, An nhớ lại. Nhưng thách thức vẫn không hề nhỏ. “Tôi thấy Robinho như một nghệ sĩ ảo thuật”, Jong kể. “Anh ấy đi bóng qua không biết bao nhiêu cầu thủ Triều Tiên. Còn Lucio thì như quái vật, như người lớn đá với trẻ con”.

Nhưng Triều Tiên chơi không tệ. Họ không thể thủ hòa, nhưng bàn thắng vào phút chót của Ji Yun-nam giúp họ chỉ thua 1-2, không quá tệ trước đối thủ 5 lần VĐTG. Họ bước vào trận tiếp theo gặp Bồ Đào Nha tự tin hơn hẳn. 

Nhưng rồi Triều Tiên nhanh chóng trở lại thực tế. Hiệp đầu họ chỉ thủng lưới 1 bàn, nhưng khi kết trận, tỉ số là 7-0. “Đó là một nỗi hổ thẹn, không phải vì kết quả, mà vì chúng tôi đã không chơi với 100% sức lực”, An nói. Thật trớ trêu, cũng chính Bồ Đào Nha, với huyền thoại Eusébio, đã loại Triều Tiên 44 năm về trước ở Goodison Park, dù đã bị dẫn 3 bàn.

Họ thua nốt Bờ Biển Ngà 0-3 trong trận cuối cùng, đồng nghĩa với việc Jong sẽ không thể tới chơi cho một câu lạc bộ (CLB) lớn ở châu Âu như anh muốn (rốt cuộc anh chuyển từ Kawasaki tới đội hạng Nhì Đức VfL Bochum). 

Mặc dù sớm bị loại vì những trận thua đậm nhưng Jong Tae-se đã có những ký ức không thể nào quên cùng những chiếc áo đấu kỷ niệm của các ngối sao như Cristiano Ronaldo

Jong Tae-se đã có những ký ức không thể nào quên cùng những chiếc áo đấu kỷ niệm của các ngôi sao như Cristiano Ronaldo. 

Anh cũng thất vọng vì không thể bổ sung chiếc áo đấu của Didier Drogba vào bộ sưu tập, vốn đã có áo của Robinho, Kaká, và Cristiano Ronaldo. “Anh ấy từ chối vì muốn ném nó cho các CĐV”, Jong kể. “Hay có thể vì anh ấy không vui với chúng tôi. Chúng tôi đã thua 0-7, khiến để đi tiếp, họ sẽ phải thắng 8-0 hoặc 9-0”.

An Yong-hak cũng là 1 zainichi được tập hợp để đưa bóng đá Triều Tiên phát triển

An Yong-hak cũng là 1 zainichi được tập hợp để đưa bóng đá Triều Tiên phát triển

Chúng tôi đã là người hùng vì tới chơi ở World Cup, HLV cũng có cấp bậc cao trong quân đội.

An Jong-hak

Giống như nhiều thông tin khác về Triều Tiên, những tin tức thất thiệt xuất hiện về cách đội bóng bị đối xử khi trở về nhà sau 3 trận thua ở World Cup. Một số trang tin đi xa tới mức tả lại một cuộc “đấu tố” với 400 người tham dự tại Cung Văn hóa Nhân dân ở Bình Nhưỡng, trong đó các cầu thủ bị bắt phải lột quần áo HLV Kim Jong-hun, người bị khai trừ khỏi Đảng Lao động Triều Tiên và bị đưa vào trại cải tạo. 

Jong và An bác bỏ các tin tức đó. Họ nói khi trở về Bình Nhưỡng, đội bóng đã được Liên đoàn bóng đá Triều Tiên mời cơm. Còn về các hình phạt, “không có chút sự thật nào trong đó”, Jong nói.

“Chúng tôi đã là người hùng vì tới chơi ở World Cup. HLV cũng có cấp bậc cao trong quân đội, nên không ai làm gì ông ấy. Đó là những tin đồn nhảm, thật đáng xấu hổ”.

Nhưng An cũng tỏ ra hiểu tại sao các tin đồn kiểu đó hay xuất hiện. “Nếu Triều Tiên cởi mở hơn thì những kiểu tin tức như thế đã không thể xuất hiện”, An nói. “Do không có tuyên bố chính thức nào, nên người ta thêu dệt đủ chuyện”. Việc kiểm soát thông tin gây ra một chuyện khó tin: Jong và An nhận được chỉ đạo từ cấp cao nhất trong việc đối phó với truyền thông. 

Những tin đồn về việc đội tuyển Triều Tiên bị xử phạt theo An Yong-hak và Jong Tae-se là hoàn toàn vô căn cứ

Những tin đồn về việc đội tuyển Triều Tiên bị xử phạt theo An Yong-hak và Jong Tae-se là hoàn toàn vô căn cứ 

“Tôi nhận được thư của Kim Jong-il (lãnh đạo tối cao nay đã qua đời của Triều Tiên)”, Jong nói. “Tôi và An, cùng các cầu thủ Triều Tiên sống ở Nhật Bản khác. Một lá thư chính thức yêu cầu chúng tôi cẩn thận với truyền thông, vì ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ, tất cả những gì nói về Triều Tiên đều là xấu xa”.

Khi nào thì thế hệ các cầu thủ Triều Tiên tiếp theo sẽ có cơ hội góp mặt ở World Cup là điều tương lai mới có thể trả lời, nhưng cả An và Jong đều tin chắc rằng sẽ không phải mất tới 44 năm nữa.

Năm 2018 tới, An đã 39 và Jong 34, họ không còn cơ hội góp mặt ở Nga do Triều Tiên đã bị loại sớm, nhưng với họ trải nghiệm ở Nam Phi đã là quá đủ cho một đời người. “Nếu giải đấu đó cứ diễn ra mãi mãi thì tôi sẽ rất vui”, Jong nói. “Tôi sẽ được hạnh phúc mãi mãi”.

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn