Người Lào không đam mê bóng đá, đó là cảm nhận chung của rất nhiều người Lào. Hai trận đấu của AFF Cup 2018 sắp diễn ra ở Vientiane nhưng không thấy dấu hiệu gì của ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Lào, ông Viphet Sihachak thừa nhận: “So với Việt Nam, thì xã hội Lào không cuồng nhiệt với bóng đá như người dân các bạn, bóng đá cũng không phát triển được như Việt Nam”.
Cầu thủ làm đủ nghề để kiếm sống
Ông Viphet Sihachak dành cho Zing.vn buổi phỏng vấn ngay tại quán cà phê của ông gần sân Anouvong. Người đứng đầu LFF chia sẻ: “Các tuyển thủ Lào đa phần là cầu thủ nghiệp dư. Họ còn làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Chúng tôi không có đủ nguồn cầu thủ để đào tạo chuyên nghiệp”.
Hiện ở Lào, có 5 cầu thủ sống bằng nghề đá bóng, 4 trong số đó thi đấu ở giải Thái League 2 và Thái League 3 của Thái Lan. Số còn lại làm kinh doanh hay bán hàng gì đó để kiếm thêm thu nhập.
Bóng đá không được người dân quan tâm và đề cao ở đất nước có dân số hơn 6 triệu người. Sự nỗ lực của LFF từ nguồn hỗ trợ từ FIFA và AFC đã giúp Lào duy trì và phát triển phong trào bóng đá trong vài năm qua.
Trở về sau chuyến du đấu 9 ngày ở Barcelona (Tây Ban Nha), nhiều cầu thủ bán chuyên thích thú khi được mở mang tầm mắt. Họ được trải nghiệm và có động lực để bước vào một kỳ AFF Cup nhiều năng lượng hơn.
Đó là lần đầu tiên, bóng đá Lào đặt chân đến châu Âu. Đoàn quân của ông Sundramoorthy có sự chuẩn bị nghiêm túc và kín đáo chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà, với mục tiêu thay đổi diện mạo.
“Tuyển Việt Nam chắc chắn là đội mạnh hơn với nhiều cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế sân nhà để chơi tốt hơn so với trước. ĐT Lào vẫn có cơ hội để giành chiến thắng”, Ông chủ tịch LFF nói.
Các cầu thủ nghiệp dư của Lào đang được rèn dũa theo quy chuẩn của cầu thủ chuyên nghiệp. HLV người Singapore muốn giữ bí mật mọi thứ từ danh sách cho đến lối chơi để hiện thực hóa mục tiêu.
Ông Sundramoorthy cho biết: “Tôi không ngại chơi tấn công và ghi bàn khi gặp đối thủ ngang cơ trên sân nhà. Lối chơi ưa thích của tôi là bóng nhỏ, chuyền nhanh nhưng cần yếu tố con người để làm điều đó”.
Muốn đưa cầu thủ Lào sang V.League thi đấu
Có gì đó mà bóng đá Lào hơn bóng đá Việt Nam thì đó là việc Lào có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Nhiều cầu thủ Lào chơi bóng tại Thái Lan dù họ chưa đủ trình độ chơi ở giải cao nhất Thái League 1.
Đội trưởng của tuyển Lào Thotnilath Sibounhuang là điển hình. Hậu vệ sinh năm 1990 đang chơi ở Thái League 3 cho CLB Samut Prakan. Anh từng là đồng đội cũ của thủ môn Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam.
“Ngôn ngữ của Lào và Thái Lan khá giống nhau, nên đó là yếu tố quyết định để cầu thủ Lào chọn Thái Lan làm điểm đến. LFF và VFF có mối quan hệ rất tốt, chúng tôi cũng muốn cho cầu thủ sang V.League thi đấu nhưng gặp nhiều khó khăn hơn ở Thái Lan”, ông Chủ tịch Viphet bật mí.
Ngoài việc giao tiếp không thuận lợi nếu sang Việt Nam thi đấu, cầu thủ Lào sẽ còn bị tính là cầu thủ ngoại binh. Trong khi đó, LĐBĐ Thái Lan có chính sách riêng cho cầu thủ có quốc tịch Đông Nam Á tại Thái League.
Chủ tịch LFF đánh giá: “Những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài dù là giải thấp nhưng sẽ giúp ích nhiều cho bóng đá Lào. Kinh nghiêm của họ là thứ quý giá cho sự phát triển sau này của nền bóng đá nước nhà”.
Sự thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 cũng là một sự khích lệ với bóng đá Lào. Chủ tịch LFF khẳng định muốn phát triển bóng đá như Việt Nam để cầu thủ có động lực thi đấu và cống hiến cho ĐTQG.
Hiện bóng đá Lào tổ chức được các giải đấu cho lứa trẻ như U15 và U18 nhằm tìm và đào tạo tài năng cho tương lai. LFF nhận nhiều sự hỗ trợ từ FIFA và AFC để triển khai các dự án phát triển bóng đá trẻ.
Hiện tại LFF còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết sau những án phạt bán độ, dàn xếp tỷ số của FIFA nhưng một khi đã có chiến lược rõ ràng, bóng đá Lào sẽ tiến bộ và phát triển hơn trong tương lai.
Bình luận