• Zalo

Đời thật, tên thật, mặt thật của cô gái bị xăm rết

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 18/12/2011 11:08:00 +07:00Google News

Nhà nghèo, mồ côi cha, Nguyễn Thị Giang sinh năm 1991 (cô đồng ý đưa tên thật và ảnh), phải rời Nghệ An vào Vũng Tàu làm thuê kiếm sống.

Nhà nghèo, mồ côi cha, Nguyễn Thị Giang sinh năm 1991 (cô đồng ý đưa tên thật và ảnh), phải rời Nghệ An vào Vũng Tàu làm thuê kiếm sống.

Nguyễn Thị Giang những ngày đầu đặt chân đến đất Vũng Tàu.

Kỳ 1: Ly hương

Năm 16 tuổi, một mình Giang lặn lội vào Nam tìm việc với vài bộ đồ cũ nát và 200.000 đồng trong tay. Ban đầu, cô được chủ nhà đối đãi rất tử tế, nhưng sau đó là những ngày nhục nhã ê chề. Số phận nghiệt ngã đang giăng bẫy phía trước.


Áp tết 2008, một người bạn gái tên Quỳnh trú tại xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) gặp Giang. “Vô Vũng Tàu kiếm chân giúp việc gia đình, công việc hằng ngày nhàn hạ lắm, chỉ nấu nướng, giặt giũ, đi chợ", Quỳnh bảo. Quỳnh muốn tốt cho Giang, bởi bản thân cô mới vào Vũng Tàu được ít lâu và hằng tháng đã có tiền gửi về giúp đỡ gia đình.


Giang đem chuyện về nói với mẹ (chị Trần Thị Hoa, SN 1969, xã Nghi Diên, Nghi Lộc). Chị Hoa lưỡng lự rồi gật đầu. “Con còn nhỏ, chưa ra thành phố bao giờ vả lại đường sá xa xôi, con có mệnh hệ chi mẹ mần răng mà sống được!", bà Hoa thở dài, không dám nhìn vào mắt con. “Mẹ đường lo! Con đi rồi về! Để con đi kiếm tiền gửi về nuôi mẹ, nuôi em!", Giang an ủi mẹ. Mười sáu tuổi, cô bé đã biết nghĩ xa nghĩ gần.


Mấy sào ruộng làm không đủ nuôi 7 miệng ăn trong gia đình nên chị phải gồng gánh chạy chợ. Đêm đêm bên chiếc cối xay, người mẹ miệt mài xay bột, đảo hồ, vắt bánh rồi rán lên đem ra chợ bán. Cả đêm nhọc nhằn làm bánh, tảng sáng chị Hoa lọ mọ đạp xe vượt gần 20 cây số từ Nghi Diên xuống chợ Sơn, vào chợ Nghi Liên, quần quật.


“Bữa mô may mắn bán hết bánh, tui lãi dăm chục nghìn đồng. Bánh ế là gay!", chị Hoa kể.


Thức trắng nhiều đêm, bà sinh chứng đau đầu, đau thần kinh tim. Không đủ sức để làm bánh, chị Hoa phải bỏ nghề, nhưng hằng ngày chị vẫn đạp xe đi các chợ mua bánh rán, bánh đa, kẹo lạc về bán. Mua sỉ bán lẻ, mỗi ngày chắt góp vài ba chục nghìn đồng. Nhà càng khó khi trong một đêm mưa gió mịt mùng, ông Nguyễn Quốc Dương- cha của Giang đột ngột ra đi. Ông bị tai biến mạch máu não, nằm trên giường và sáng mai không tỉnh dậy nữa


Trước khi đi, chị Hoa chỉ gom góp được cho con 200.000 đồng.


“Em lo tiền ăn dọc đường, tiền xe không phải trả vì trước đó Quỳnh đã vào Nam và cô ấy sẽ trả tiền tàu xe khi em đến Vũng Tàu!", Giang bảo.


Chuyến xe tốc hành Bắc Nam đến Vũng Tàu, Giang được Quỳnh ra đón ở bến xe. Cô điện thoại về nhà báo tin cho mẹ: “Mẹ ạ! Con đã đến Vũng Tàu an toàn! Mẹ đừng lo!".


Giang được Quỳnh dẫn về một quán giải khát. Ngay hôm sau, cô được bố trí đi làm ngay. Công việc đúng như hứa hẹn: Bán hàng tạp hóa, làm chân giúp việc cho gia đình bà M. “Ban đầu, bà M đối xử với em rất tử tế. Bà mua quần áo mới cho em mặc, trả tiền lương mỗi tháng hai triệu đồng. Với cô gái nhà quê như em, đó là số tiền lớn, nằm mơ cũng không có!", Giang kể.


Từ nông thôn ra thị thành, Giang hòa nhập với cuộc sống đô thị và phổng phao, xinh đẹp. Thỉnh thoảng Giang điện thoại về cho mẹ: “Con đỡ khổ hơn rồi, ở đây mọi người đều tốt, bà chủ rất tốt, mẹ yên tâm!". Bà Hoa trong lòng khấp khởi mừng nhưng vẫn chưa hết lo âu. “Con chụp vài tấm hình rồi gửi về cho mẹ coi!", bà nói với con.


Những bức ảnh gửi về Nghệ An từ thành phố Vũng Tàu chụp hình con gái trẻ trung, cười tươi bên ki-ốt bán hàng phá tan nỗi day dứt, lo âu của người mẹ. Bà Hoa mang ảnh khoe với nhiều người. Ai cũng bảo Giang tốt số!


Chồng mất, bà Hoa (mẹ Giang) ngày ngày phải đạp xe đi bán bánh rán, kẹo lạc kiếm tiền nuôi con.

Bà Hoa yên tâm trở lại công việc bán bánh rán, kẹo lạc, bánh đa hằng ngày. Người mẹ đâu biết rằng, nụ cười thơ ngây của cô con gái bé bỏng sớm vụt tắt và tiếp theo sau là những tháng ngày tủi nhục. Một ngày, có nhân viên nữ của bà M đến gặp Giang bảo: “Bà chủ nói phải về tiếp khách !". Giang tưởng đó là công việc bình thường nên ngoan ngoãn vâng lời.

Cô được nữ nhân viên của bà M chở đi bằng xe máy, hai người vào một căn phòng. Bên trong, một nam một nữ đợi sẵn. Giang ngồi xuống, chưa ấm chỗ thì hai nữ nhân viên rút lui để lại Giang và người đàn ông xa lạ. “Rót bia đi em!”, khách bảo.


Còn lại một mình với người đàn ông lạ lóng ngóng rót bia, chân tay run lẩy bẩy, xong khép nép co rúm ngồi vào một góc căn phòng tối tăm. Người khách sấn đến, bảo cô cụng ly và bắt đầu sờ soạng. “Em chết khiếp! Nhưng may mà ông khách chỉ dừng lại ở đó!", Giang nhớ lại. Lúc ra về, cô được “bo" 100.000 đồng. Cô đưa số tiền khách "bo" cho bà chủ M.


Ba tháng sau đó, Giang sống trong lo lắng, bồn chồn, nhưng không có một rắc rối nào thêm. Nơi quê nhà, đến cuối tháng, mẹ em lại nhận được một triệu đồng tiền công lao động bà M gửi về từ Vũng Tàu. “Tôi gửi cho chị mỗi tháng 1 triệu, số còn lại tôi giữ sau này cháu nó không làm nữa tôi sẽ trả chị đầy đủ !", bà M nói với mẹ Giang.


“Nếu bà chủ giữ được lòng tốt như vậy, thì chẳng việc gì em phải khăn gói về quê trong đau đớn, tủi nhục!", Giang nuốt nước mắt, kể tiếp.


Làm được dăm tháng thì một hôm, một nữ nhân viên của bà chủ rủ cô đi sàn nhảy cùng hai người khách nước ngoài. Cả đời cô chưa bao giờ biết sàn nhảy là gì, nên khi bạn rủ đi Giang đi, cô rất hào hứng. Bốn người lên taxi. Sau vài tiếng ở sàn nhảy, họ quay ra và nữ nhân viên tên K dẫn 3 người vào khách sạn.


“Ngủ lại đây sáng mai hẵng về !", K bảo. Người đàn ông Malaysia kéo em vào phòng, khóa trái cửa và bắt đầu giở trò. Giang vừa chống cự vừa khóc. Sau một hồi vật lộn, gã khách chẳng làm ăn gì được, chán nản bỏ ra ngoài.


Những ngày tiếp theo Giang bị bà chủ M kiểm soát chặt chẽ, khống chế cả việc sử dụng điện thoại di động. Vì sao một cô gái trẻ đẹp, hiền lành phải hứng chịu trận đòn thù kinh hoàng, khiến nhan sắc tàn phai? Mời độc giả đón đọc Tiền Phong ngày mai: “Nỗi đau của cô gái bị xăm hình rết”.


Còn tiếp...

Quang Long - TP

Tin đọc thêm



Bình luận
vtcnews.vn