(VTC News) - Từ hôm nay (1/2), Hà Nội sẽ chính thức đổi giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại trên địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện.
Tuy nhiên, sát giờ G, ngày 31/1, khi còn chưa đầy 24 tiếng nữa, giờ học, giờ làm sẽ chính thức được thay đổi, theo khảo sát của PV VTC News, việc sắp xếp công việc, học tập vẫn còn là mối lo với không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả nhà trường cũng đau đầu.
Làm trước tính sau
Ngày 31/1, đưa cháu Nguyễn Thùy Chi, học lớp 2 trường Tiểu học Thành Công (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) tới lớp học, anh Nguyễn Văn Hiệu (bố cháu Chi) tỏ ra lo lắng: “Đọc thông tin trên báo biết là từ mai sẽ đổi giờ học của con nhưng tới nay vẫn chưa thấy nhà trường có bất kể thông báo nào về việc các cháu học vào giờ nào, đưa đón giờ nào. Giờ cũng chỉ đưa đón như cũ thôi, khi nào có thông báo rồi tính sau”.
Nhóm các trường học chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc đổi giờ. |
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (quận Cầu Giấy) cho biết: “Chính sách thì phải thực hiện nghiêm và sẽ thực hiện từ 1/2 đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc này khả năng thành công rất khó”.
“Hiện nay, trường chưa có chính sách hỗ trợ gì với giáo viên nên không thể bắt các thầy cô làm thêm giờ, chỉ có thể sắp xếp các thầy cô làm đủ 8 tiếng. Trước mắt sẽ chia theo ca, người đi làm sớm về sớm, người đi làm muộn về muộn. Và cũng phải tạo điều kiện để các cô có con nhỏ có thể đi đưa đón các cháu được”, bà Hải cho biết thêm.
Với học sinh của trường, theo bà Hải, hiện trường vẫn chưa thể thông báo tới hết tất cả được vì một số em vẫn đang nghỉ Tết ở quê.
“Lo nhất là giờ về sau 19h, vì chưa thể biết việc đi lại, xe cộ của các em như thế nào”, bà Hải lo lắng.
Ngoài ra, vẫn đề sắp xếp lớp học, giờ học cho khối tại chức cũng làm lãnh đạo nhà trường phải đau đầu. Bà Hải cho hay: “Bình thường khối tại chức của trường học từ 17h30' tới 21h, như vậy mới đảm bảo thời gian, số tiết, môn học. Nhưng nay ca học chính thức phải tan sau 19h, thay đổi thế này chưa biết sắp xếp phòng học thế nào, giáo viên dạy ra sao. Nếu bắt các em học muộn thì sẽ phải về rất muộn. Sẽ có không ít em bỏ học, trốn học về trước vì đa phần người học tại chức đều đã đi làm, có gia đình”.
“Cứ làm trước, rút kinh nghiệm rồi sẽ tính sau”, bà Hải nói.
Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở các trường học khác trên địa bàn thành phố. Từ cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp, Cao đẳng… đều chưa có phương án cụ thể. Nhiều trường còn cho biết, hiện giờ mới đang làm việc với quận về kế hoạch cụ thể, do đó chưa thể thông báo đến phụ huynh và giáo viên được.
Việc chậm trễ này đã khiến các giáo viên và học sinh, sinh viên rơi vào thế bị động bởi ngày đổi giờ học, giờ làm đã cận kề nhưng họ chưa biết phải xoay sở ra sao để đảm bảo cuộc sống riêng.
Các giáo viên cũng có con nhỏ và họ cũng đều phải đưa đón như bao người khác. Nhiều giáo viên dạy từ cấp THPT trở lên đều đi làm trước 7h, trong khi nếu có con nhỏ, con họ sẽ học vào khoảng 8h. Như vậy có lẽ sẽ xảy ra tình huống đưa con tới nơi làm việc đợi đến giờ học của con sẽ đưa con tới trường. Chưa kể tới giờ về, con về từ 17h nhưng bố mẹ phải 19h mới được về để đón con…
Lãnh đạo TP kỳ vọng phương án đổi giờ sẽ giúp giảm bớt ùn tắc tại Hà Nội. Ảnh chụp đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. |
Hiện nay, chỉ có một số trường ĐH sắp xếp lịch học trước 7h sáng là tỏ ra khá bình tĩnh. Như trường ĐH KHXH&NV Hà Nội (quận Thanh Xuân), chưa có thông báo cụ thể nào về việc đổi giờ học bởi bình thường giờ học của trường này đã bắt đầu từ 6h45' sáng. Tuy nhiên, việc học đến tận 19h như quy định thì chưa có thông tin hướng dẫn thực hiện nào. Và hiện trường này vẫn đang áp dụng lịch học tín chỉ nên giờ giấc cố định với sinh viên là khó thực hiện.
Trong khi đó, với nhiều sinh viên, họ tỏ ra băn khoăn về cuộc sống và việc học tập sẽ thay đổi lớn nếu áp dụng phương án đổi giờ học. Vì ngoài việc học chính, họ còn nhiều công việc khác như học thêm, làm thêm… Nếu tan học lúc sau 19h, gần như việc làm thêm là không thể, còn nếu học thêm thì ít nhất cũng phải 21h30’ mới tan. Như vậy là quá mất thời gian.
Với học viên hệ tại chức có lẽ còn phải băn khoăn nhiều hơn. Vì lịch học tại chức hiện nay tại nhiều trường bắt đầu vào khoảng 19h, và tan học vào khoảng 21h. Như với trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (quận Hà Đông), “Ngày làm việc của tôi kết thúc lúc 17h30’, tới 19h là bắt đầu học. Như vậy, tôi có khoảng thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi để nghỉ ngơi và ăn tối trước khi tới lớp học. Nhưng giờ đổi giờ thế này có thể tôi sẽ phải đi làm về muộn hơn và tới lớp học muộn hơn, tan học về nhà có khi phải vào khoảng hơn 22h tối. Như vậy, cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có ít thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi..”, anh Nguyễn Bá Hùng, học viên hệ tại chức của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội lo lắng.
Các Sở cũng bối rối!
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội – Đơn vị chủ trì việc thực hiện đổi giờ làm, giờ học cho biết: “Về phương án triển khai giờ học, giờ làm, Sở GTVT đã có thông báo rộng rãi tới các trường. Các trường có trách nhiệm sắp xếp công việc, giờ học và thông báo với học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh để biết và thực hiện”.
Về vấn đề nhiều trường học, học sinh, phụ huynh chưa nắm được kế hoạch triển khai phương án đổi giờ học, giờ làm cụ thể, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay: “Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định chính thức về việc đổi giờ học, giờ làm từ Sở GTVT Hà Nội. Chúng tôi đã chuẩn bị và có phương án đưa ra để thực hiện”.
Về việc nhiều bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên chưa được thông báo về việc thay đổi giờ học, giờ làm, ông Thống cho rằng, có thể là do mới sau Tết nên việc thông báo cũng chưa được rộng rãi, nhiều sinh viên đang ở quê nghỉ Tết chưa ra Hà Nội.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn tới các trường yêu cầu các trường sắp xếp, lên phương án để thực hiện đổi giờ học, giờ làm việc trong các trường học, thực hiện đúng chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội.
Lê Việt
Bình luận