• Zalo

"Đổi giờ không phải chiếc đũa thần giải quyết ùn tắc"

Thời sựThứ Tư, 18/01/2012 12:27:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Mùa hè, 100% học sinh, sinh viên nghỉ học nhưng Hà Nội vẫn tắc đường. Việc đổi giờ không phải là chiếc đũa thần để giảm ùn tắc".

(VTC News) - “Mùa hè, 100% học sinh, sinh viên nghỉ học nhưng Hà Nội vẫn tắc đường. Tôi cho rằng, việc đổi giờ không phải là chiếc đũa thần để giảm ùn tắc giao thông”, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận xét.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Hiệp Thống đưa ra tại Hội nghị Triển khai phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức ngày 17/1.

Tuy chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới thời điểm Hà Nội chính thức đổi giờ làm, giờ học, kinh doanh thương mại (từ 1/2/2012) nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn được đưa ra. Lãnh đạo các trường từ Đại học cho tới THPT đều lo ngại việc đổi giờ sẽ tác động đến việc học của học sinh và sinh viên.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới thời điểm phải đổi giờ học nhưng các trường học ở Thủ đô vẫn còn nhiều băn khoăn, chưa có lời giải.

Ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, cái khó khi thực hiện là giờ học của khối học sinh phổ thông trung học vì khối này không học theo tuyến quận, huyện. Nếu giờ tan học sau 19h tối thì sẽ có khó khăn vì nhiều học sinh phải đi cả chục cây số mới về tới nhà”.

Ở khối đại học, đại diện trường ĐH Thương Mại Hà Nội cho rằng, hiện nay trường đang tổ chức học 3 ca (sáng, chiều, tối). Do vậy, việc điều chỉnh giờ tan học ca chiều sau 19h như yêu cầu của Hà Nội là rất khó.

“Ca học chiều của chúng tôi bắt buộc phải kết thúc trước 17h30, để 18h là tổ chức học ca tối. Hiện nay, ca tối của trường tan học vào 21h, sinh viên đã gặp rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, bắt xe buýt… Giờ mà điều chỉnh lại giờ thì ca tối sẽ phải kết thúc vào khoảng 10h tối. Như vậy sẽ không khả thi”, vị đại diện này bức xúc.

Gay gắt hơn, Ths. Đỗ Thị Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thay đổi khung giờ như phương án sẽ gây khó khăn rất lớn cho các cán bộ giáo viên đón con. "Lâu nay, tôi thấy cứ hơn 16h30' là họ đã nhấp nhổm, chuẩn bị đi về đón con. Nay phải đến 19h họ mới được về, trong khi con học xong lúc 17h. Như thế, họ sẽ đón con như thế nào đây?”.

Ngoài ra, bà Hải cũng thắc mắc, nếu theo khung giờ mới thì cán bộ, nhận viên trong trường sẽ làm việc từ 7h đến 19h hàng ngày, như vậy là 12 tiếng một ngày: "Họ cũng không thể về nhà nghỉ giờ trưa vì thời gian ít, nhà xa. Như vậy, chúng tôi sẽ giải quyết chế độ như thế nào cho họ, trả lương 12 tiếng hay 8 tiếng?".

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng đều đã nghỉ Tết nên sẽ khó khăn trong việc thông báo lịch học mới cho học sinh, sinh viên biết để thực hiện.

Trước những ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: “Đề án điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội đã được HĐND thông qua, Thủ tướng phê duyệt. Như vậy là đã thành luật và chúng ta phải thực hiện cho tốt”.

“Chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị vận tải công cộng, thành lập các tổ bảo vệ trên các tuyến xe buýt để đảm bảo an ninh trên xe. Đồng thời, cố gắng làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân”, ông Hùng khẳng định.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn