• Zalo

Đổi giờ học: Đến lượt ĐH, CĐ kêu khó thực hiện

Giáo dụcThứ Ba, 07/02/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sau khi các trường THPT, THCS và tiểu học nêu lên những bất cập trong việc thực hiện khung giờ học mới, đến lượt các trường ĐH,CĐ "kêu khó"

(VTC News) – Sau khi các trường THPT, THCS và tiểu học nêu lên những bất cập trong việc thực hiện khung giờ học mới theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội, đến lượt các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố cũng "kêu khó".



Ngày 6/2, Sở GTVT và Sở GD&ĐT đã gặp gỡ đại diện các trường học, cơ quan công an quận, huyện để đánh giá về việc đổi giờ học, giờ làm sau 5 ngày thực hiện.

Mặc dù quy định đổi giờ học có hiệu lực từ ngày 1/2 tuy nhiên đến ngày 6/2 các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội mới gần như cho thực hiện theo khung giờ học mới do hôm nay là ngày trở lại trường của sinh viên sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Đại diện các trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh doanh và Công nghệ,  HV Ngân Hàng đều đưa ra những khó khăn trong quá trình thực hiện quy định mới về giờ học của UBND Thành phố Hà Nội.  Với khung giờ học mới, đại diện các trường ĐH, CĐ đều cho rằng rất khó có thể sắp xếp lịch học một cách hợp lý.

Đổi giờ học cũng khiến sinh viên ĐH, CĐ phải tan học lúc đêm khuya 

Đại diện các trường ĐH, CĐ cho biết hiện nay các trường đều thực hiện học 3 ca. Ca sáng bắt đầu lúc 7h, ca chiều tan lúc 18h, và ca tối sẽ học đến 21h. Riêng đối với buổi sáng thì hoàn toàn có thể đáp ứng được lịch học mới còn ca chiều không thể kết thúc vào lúc 19h vì sẽ đẩy ca ba kết thúc vào lúc đêm khuya.

Đại diện ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng với đặc thù là một trường nằm ngoại thành, lại là trường có số lượng sinh viên đông của cả nước nên việc các sinh viên phải về quá muộn sẽ gây khó khăn cho các em. Khoảng thời gian đó, nhiều sinh viên đã không còn bắt được xe buýt về nhà trong khi trường cách nhà khoảng 20km.

Các trường ĐH cũng kiến nghị sẽ kết thúc ca chiều vào lúc 18h để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sắp xếp lịch dạy.

Đại diện trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện tại nhà trường có khoảng 30.000 sinh viên sẽ phải chịu sự điều chỉnh của khung giờ học mới. Điều này sẽ kéo theo lịch dạy và sinh hoạt của các giảng viên, cán bộ của toàn trường sẽ bị xáo trộn.

Vị đại diện này cho rằng với việc điều chỉnh giờ học theo quy định mới, sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, và chi phí cho 1 sinh viên có thể tăng 30% nhưng tiền lương của cán bộ nhân viên thì không thể tăng được. Như vậy, khoản chi phí phát sinh sẽ phải “bổ đầu” các sinh viên.

“Chúng ta nên xem xét đến tiêu chí kinh tế xã hội để đánh giá hiệu quả của chủ trương này xem được và mất cái gì. Nếu không, chúng ta sẽ trả giá quá đắt để giảm được ùn tắc giao thông”.  Đại diện ĐH Kinh doanh và Công nghệ kiến nghị.
Tan học muộn khiến học sinh, sinh viên đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn trên đường về 

Báo cáo tại Hội nghị, ông Mai Sỹ Nhật - Trường phòng Công tác HS,SV (Sở GD&ĐT Hà Nội)  đã nêu ra khó khăn của các trường như việc cán bộ giáo viên sẽ phải làm thêm giờ, tăng lượng điện thắp sáng, nguồn nước sạch phục vụ việc dạy và học, việc thực hiện các hoạt động ngoại khoá vào giáo dục thể chất, quốc phòng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tâm sinh lý học sinh, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh khi phải về học quá muộn.

Tuy nhiên, quán triệt sự chỉ đạo của UBND Thành phố, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn nhấn mạnh: “Quan điểm của Sở là thực hiện nghiêm túc quy định của UBND thành phố. Sở đã chấn chỉnh các trường cố tình vi phạm và có thông báo gửi các trường nghiêm cấm thu thêm tiền của HS để phục vụ cho việc liên quan đến đổi giờ”

Kết luận hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng: “Mới chỉ 5 ngày thì còn quá sớm chưa thể đánh giá hiệu quả hay không hiệu quả. Những băn khoăn, vướng mắc chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo thành phố để có điều chỉnh làm sao để phụ huynh và HS không bị ảnh hưởng”.

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn