• Zalo

Đối diện nhiều thử thách, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo phục hồi trong nửa cuối 2023

Đầu TưThứ Bảy, 05/08/2023 11:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, được dự báo phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhưng vẫn đối diện nhiều thách thức.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 7 và từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc như yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trong đó, nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn: Lúa gạo được mùa, được giá; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD.

Công nghiệp cũng tiếp tục đà phục hồi. Chỉ số SX công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 3,7% so với cùng kỳ, Số doanh nghiệp đăng ký lập mới và trở lại hoạt động là 20.800 đơn vị, tăng 34% so với cùng kỳ 2022. 

Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, đây là tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; tính chung 7 tháng đạt 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38%; về số tuyệt đối tăng 80,78 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đã đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. IMF dự báo quy mô GDP (tính theo sức mua tương đương) năm 2026 đạt 1.872 tỷ USD, vượt qua Thái Lan và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á. Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng 7%. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2023. 

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp.

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp.

Vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Xuất khẩu 7 tháng giảm 10,6%, nhất là nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản; nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 17,3%, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả.

Việc tiếp cận vốn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 21/7 chỉ tăng 3,96%; trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 78% so với cùng kỳ 2022. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi...

Theo bộ này, khó khăn của nền kinh tế đã tác động trực tiếp làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Thu ngân sách 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 5 là 3,65% (cùng kỳ năm 2022 là 1,55%), cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra (3%).

Tình hình lao động, việc làm đã cải thiện nhưng tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm chủ yếu trong một số ngành chế biến, chế tạo như điện tử, da giày, may mặc, chế biến gỗ…vẫn còn.

Những thách thức này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc vào xu hướng chung toàn cầu.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý III/2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia. Hệ thống ngân hàng Mỹ tiềm ẩn yếu tố rủi ro (thêm 1 ngân hàng quy mô nhỏ tại Mỹ bị kiểm soát đặc biệt).

Xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023...

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi chúng ta chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn