• Zalo

Đời buồn thảm của 'người cóc' Tây Nguyên khiến ai cũng phải sợ hãi

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 13/11/2016 07:30:00 +07:00Google News

Mới hơn một năm mà “mụn cóc” trên người ông phát triển như vũ bão. Năm ngoái còn thấy đôi mắt he hé, vậy mà bây giờ chẳng còn nhận ra bộ phận nào nữa.

"Người cóc"

Hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) mùa này cá tôm dạt dào. Nụ cười của dân chài rắn rỏi trong cái se lạnh của núi rừng Liên Sơn. Có chút vui, chút buồn khi chúng tôi quay trở lại thăm ba cha con “người cóc”.

Ngôi nhà của Lưu Văn Tê nằm ven bờ hồ Lắk, giờ đã được thay “áo mới”, nhờ vào tấm lòng hảo tâm của toàn xã hội. Bà Chu Thị Nguyệt nhìn một thoáng, chợt nhận ra người quen, mắt bà sáng long lanh. “Ông Tê đâu rồi?”. Bà gọi vài tiếng thì ông Tê lọ mọ từ trong buồng ra, hai tay gãi xối xả lên bộ “da cá sấu”.

Mới hơn một năm mà “mụn cóc” trên người ông phát triển như vũ bão. Năm ngoái còn thấy đôi mắt he hé, vậy mà bây giờ chẳng còn nhận ra bộ phận nào nữa. Tất cả đều bè ra, xệ xuống thành một khối thịt mỡ bùng nhùng, lầy bầy hạt “sương sa, sương sáo”.

2efa7c37-2844-4437-ac85-37f96c68c9e9

Bà Nguyệt và hai cha con ông Tê. 

Bà Nguyệt nhoẻn miệng cười, dù cố tươi nhưng không khuất lấp được nỗi đau hiện hữu trong lòng. Mặt bà méo như bị điện giật, nói mà như khóc: “Mấy cục mụn ông ấy gãi mạnh quá nó bung ra, chảy máu chảy mủ. Hôm sau thì có mùi thum thủm như mùi cóc chết. Giờ ông ấy khổ lắm, chẳng dám gặp ai nữa”.

Năm 17 tuổi, Lưu Văn Tê thấy trên người xuất hiện cục mụn nhọt bé tí như đầu đũa, không ngứa không đau nên chẳng thèm quan tâm. Muốn cơ thể “sạch sẽ, trong trẻo”, ông đi bệnh viện cắt bỏ mụn. Xong, Lưu Văn Tê tự tin đi khắp nơi tán gái. Rồi ông dừng chân bên đời bà Nguyệt.

Chưa hết thời gian trăng mật, thì “cục mụn” trời đánh ở đâu xuất hiện, “chườm” hết một bên mặt, mọc đúng chỗ năm xưa ông Tê đã đi cắt bỏ. Không ai biết vì sao cục mụn “vô duyên ấy lại mọc chình ình ngay “mặt tiền” người đàn ông vốn ăn nói cực kỳ duyên dáng.

Chưa kịp đi bệnh viện thì những cục thịt khác tua tủa mọc lên như nấm ở khắp cơ thể. Một ngày, nhìn thật lâu vào mắt chồng, bà Nguyệt chợt hoảng sợ. Nhưng lòng bao dung lớn hơn nỗi sợ hãi, người vợ cắn răng ứa nước mắt sống cùng chồng.

Ngày xưa ông Tê khỏe lắm, việc gì cũng làm, không nề hà nặng nhọc, người ta thuê ông lên rừng đốn gỗ, thuê thay trâu kéo cày, ông đều làm tất. Đang máu mê lao động, đùng một cái “mụn cóc” bủa vây, ông phải “gác kiếm”.

Mọi người lảng tránh, ông cô độc một thời gian thì tự nhốt mình ở nhà, không dám bước ra ngoài. Tất cả công việc trước đây do chồng phụ trách, thì nay bà Nguyệt đều phải cáng đáng hết vì ông Tê chẳng được ai thuê nữa.

Nguyên nhân vì sao ông Tê mắc phải căn bệnh kỳ lạ này, chưa ai giải thích được. Bà Nguyệt mắt mọng nước kể: “Mỗi lần đến bệnh viện, bác sĩ đều hỏi ông ấy bị bệnh gì. Vợ chồng tôi đâu biết bị bệnh gì. Họ cứ hỏi chồng tôi câu đó, thật là buồn... Sau khi làm đủ các loại xét nghiệm, thì bác sĩ lắc đầu, bảo về đi”.

Dường như đã chai lì với định kiến xóm giềng, ông Tê thanh minh: “Cái này trời bắt thôi, nào ai muốn”. Quay sang vợ, ông Tê đùa: “Ngày xưa bà chẳng chết mê chết mệt tôi là gì. Nếu không có mấy cái mụn chết tiệt này, thì tôi cũng chả đến nỗi đâu”. Bà Nguyệt lắc đầu, bảo ông ấy bị bệnh nặng quá nên tự tin vậy cho vơi bớt nỗi buồn.

Mong hai con sẽ vượt lên số phận

30 năm trước, khi quyết định kết tóc xe tơ với ông Tê, bà đã từng hạnh phúc biết nhường nào. Thời trai trẻ, ông Tê là chàng lực điền khỏe như trâu, hát rất hay, lại còn nhiệt tình xông xáo trong các hội diễn văn nghệ của hợp tác xã.

Bà lấy ông vì tình yêu đích thực, nên bây giờ có thế nào thì bà cũng cam chịu, không oán than trời đất, không trách móc số phận. Sinh đứa con gái đầu lòng đẹp như hoa, da trắng nõn nà, mặt giống cha như đúc, bà Nguyệt đã vỡ òa sung sướng.

Đứa con gái bụ bẫm nõn nà là thế nhưng năm hai tuổi, trên mình bé bắt đầu xuất hiện những chấm nhỏ li ti như bị sởi. Vợ chồng ông Tê bế con tới các bà có kinh nghiệm xem và họ khẳng định, đây không phải nốt sởi mà là một căn bệnh gì đó rất lạ. Nhìn chồng, lại nhìn con, bà Nguyệt linh cảm đến sự việc chẳng lành.

Chẳng lẽ là di truyền? Cứ nghĩ đến điều khủng khiếp ấy, mắt bà Nguyệt lại mờ đi, cay xé. Cùng với nỗi hoảng sợ con gái mắc chứng bệnh giống cha, bà Nguyệt còn phải đương đầu với lời dè bỉu, đàm tiếu, coi khinh của bàn dân thiên hạ.

Người ta nhìn bà Nguyệt ái ngại: “Còn trẻ, tương lai còn dài, sao lại ăn ở với một “con quỷ” như vậy”. Không chịu nổi nanh vuốt người đời, vào một đêm không trăng, Lưu Văn Tê dẫn vợ con âm thầm rời quê hương Thái Bình ra đi.

Đặt chân tới đất Đắk Lắk khi trong tay không có một đồng xu, vợ chồng bà Nguyệt lao ra ngoài làm thuê. Bệnh tình của ông Tê ngày một nghiêm trọng, mụn cóc như cỏ gặp mưa, cứ kéo nhau không ngừng “đội” ra khỏi cơ thể.

Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, ông Tê mặc kệ. Nhiều lúc mải mê lao động, ông quên béng trên cơ thể mình đang có một “đội quân” khua gươm múa kiếm chờ thời cơ sẽ quật ngã “gia chủ”.

Những đồng tiền kiếm được ngoài chi phí cuộc sống, còn phải xén lại để cha con ông Tê đi chữa bệnh. Ông Tê từ một người đàn ông da dẻ hồng hào, vạm vỡ sức tá điền chỉ mấy năm bệnh tái phát đã biến thành một con người có bộ da cóc nham nhở đáng sợ. Đã thế, ông còn để tóc bù xù, dài ngang lưng, không khác nào người rừng.

Đời ông coi như “vứt”, đời đứa con gái cũng chẳng sáng sủa, khát khao một đứa con nối dõi gia tộc, vợ chồng ông Tê quyết định sinh thêm một lần nữa. Đánh cược với số phận, lần này là con trai khôi ngô tuấn tú, đẹp như tranh.

b345721c-eaf4-4aa2-8145-7b111030d1ea

Mụn cóc mọc dày đặc trên khắp cơ thể ông Tê. 

Vừa mừng vừa lo, bà Nguyệt sống trong sự thấp thỏm, hồi hộp từng ngày. Bà sợ rằng, giọt máu của cha, sẽ một lần nữa truyền vào đứa con trai bé bỏng này.

Và nỗi lo của bà đã trở thành hiện thực, khi khuôn mặt của bé ngày càng lệch sang một bên. Đến năm hai tuổi, thì hiện rõ ràng. Niềm hy vọng cuối cùng bị gió cuốn đi, bà Nguyệt vật vã tưởng như không thể sống nổi.

Lưu Văn Tuấn càng lớn, khối u ở mặt càng to, lấn sang một bên mắt làm sụp hẳn khả năng nhìn. Sau nhiều lần thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ kết luận cả Ngoan và Tuấn đều mắc phải căn bệnh: “U thần kinh mạch máu, nhiễm trong máu”. Đây là căn bệnh khó chữa, có thể người bệnh sẽ phải sống suốt đời với nó.

Nỗi đau chồng nỗi đau, người đàn bà bất hạnh đi làm quần quật quanh năm suốt tháng. Bà đi ở thuê cho người ta, nhưng cứ được một tuần là bà lại xin về thăm chồng con.

Chủ không cho, thì y như rằng sang hôm sau bà “phá vỡ hợp đồng” về cho bằng được. Bà bảo: “Nhớ ba cha con lắm. Tôi đi ra ngoài còn được người ta ngó tới cái mặt, chồng và con tôi ở nhà chẳng ai dám tới gần”.

Con gái Lưu Thị Ngoan cố gắng lắm mới học xong bậc tiểu học. Một phần gia cảnh quá nghèo không có tiền mua sách vở, phần nữa là sự mặc cảm về thân phận “không giống người” của mình.

cb9cf6a3-e5fb-4c02-a313-da26efaa59aa

Ông và con gái chỉ có thể làm những việc rất nhẹ nhàng. 

Còn Lưu Văn Tuấn với kỳ tích ba năm lớp 3, hai năm lớp 2, hai năm lớp 1. Vậy là, 22 tuổi, Lưu Văn Tuấn vẫn mù chữ. Ba cha con, cùng một căn bệnh. Cứ mùa nóng là mụn phát triển, mùa lạnh dịu lại nhưng “vi rút” bên trong hành hạ đau nhức buốt.

Vì thế, tháng này qua năm nọ, họ chẳng có khoảnh khắc nào bình yên. Ông Tê đêm không tài nào ngủ nổi, vậy là ông tìm đến rượu và trở thành con nghiện từ vài năm nay. Ông uống để quên hết sự đời. 

Lưu Văn Tê bây giờ đã hoàn toàn “lột xác” trở thành một “con cóc” khổng lồ. Nỗi đau thân phận giằng xé cuộc đời người đàn ông vừa bước qua tuổi 53, như những vết chém sâu hoắm vào danh dự và nhân phẩm.

Ông nói như gào thét với đất trời: “Mình chưa một ngày tù đày nhưng phải sống hết kiếp ở địa ngục trần gian. Chưa bị ai đánh đập, nhưng trái tim và tâm hồn lúc nào cũng rỉ máu”.

Điều mong mỏi cuối cùng của ông Tê, bà Nguyệt là hai đứa con của họ sẽ đạp lên số phận để sống hiên ngang, bởi suy cho cùng, chúng được sinh ra từ những người cha, người mẹ vô tội và chúng là những đứa trẻ vô tội.

Nguồn: Ngọc Thiện (Công an nhân dân)

Bình luận
vtcnews.vn