Đây là bộ sưu tập hơn 1.000 loài ốc biển của nhà sưu tầm Phan Thanh Toại (46 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng), người đã dành 15 năm tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm các loại ốc dọc vùng biển Việt Nam và 2 khu vực quần đảo Trường Sa , Hoàng Sa.
Hiện bộ sưu tập này được ông Toại tặng và trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa , Đà Nẵng phục vụ khách tham quan, tìm hiểu.
VTC News giới thiệu đến độc giả bộ sưu tập ốc biển độc, lạ và ý nghĩa của nhà sưu tập Phan Thanh Toại:
Bộ sưu tập các loài ốc biển độc đáo của ông Phan Thanh Toại được bài trí theo hình bản đồ Việt Nam tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng.
Để tìm được những loại ốc biển đặc biệt, độc, lạ, ông Toại đi khắp vùng biển trong nước để tìm hiểu, đặt mua. Đối với những loại chỉ xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Toại phải “đặt hàng” các ngư dân thường xuyên ra khơi để đem về.
Có rất nhiều loại vỏ ốc quý, có niên đại cao nhưng ngư dân không biết cách khai thác và bảo quản. Vì vậy, không chỉ “đặt hàng", ông Toại còn phải hướng dẫn ngư dân cách bảo quản để vỏ ốc nguyên vẹn nhất khi đưa về đất liền.
“Ốc biển được ca tụng chính là linh vật của đại dương. Ốc biển có rất nhiều loại với đặc thù sinh sống cố định ở các vùng biển khác nhau. Với Việt Nam cũng vậy, nếu đã phù hợp với vùng biển, khí hậu, thời tiết của nước ta thì những loại ốc biển khó có thể sinh sống tại khu vực khác. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, sưu tầm ốc tại các vùng biển của Việt Nam trong 15 năm qua của tôi không ngoài lý do nào khác nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của nước nhà” , ông Toại khẳng định.
Theo ông Phan Thanh Toại, hiện nay, vùng biển Việt Nam có khoảng 7.000 đến 10.000 loài ốc biển. Bộ sưu tập của ông hiện nay có hơn 1.000 ốc biển, trong đó có 2 hóa thạch ốc Anh Vũ quý hiếm với đặc điểm hình dáng không có sự thay đổi so với tổ tiên có niên đại cách đây 350 đến 400 triệu năm.
Ngoài các loại ốc có ở ven biển, ông Toại còn sưu tầm được những loại ốc ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của như ôc Kim Khôi, Ốc Mực Giấy, Sò Gai…
Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, bộ sưu tập ốc biển rất độc đáo này hứa hẹn sẽ là điểm nhấn cho khách tham quan.
“Du khách tới với Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ thấy được nhiều tư liệu lịch sử về lịch sử chủ quyền mà còn thấy được sự phong phú đa dạng của các loài sinh vật biển và bộ sưu tập vỏ ốc này. Đây là ngư trường truyền thống của người Việt và thể hiện sự khai thác lâu dài bình thường, thể hiện chủ quyền của chúng ta trên các vùng Hoàng Sa, Trường Sa ”, ông Công cho biết.
XUÂN TIẾN
Bình luận