Năm nào cũng vậy, sáng mùng 6 Tháng Giêng Âm lịch là người dân trong vùng lại đổ dồn về chợ Chuộng ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa để tham gia phiên chợ độc đáo. Người ta dùng cà chua, táo, ổi… ném vào nhau để cầu mong có một năm mới đầy may mắn.
Sáng sớm, mọi bước chân từ các ngả đường đều đổ dồn về chợ Chuộng, kẻ mua người bán tấp nập cả khúc sông. Trước đây, người ta quan niệm, chợ Chuộng là nơi đánh nhau giải quyết mâu thuẫn, ân oán của năm cũ.
Tất cả hiềm khích phải giải quyết ở phiên chợ Chuộng và xóa bỏ hết sau khi chợ tan để mọi người có một năm mới thuận hòa, đoàn kết. Cũng vì thế mà cái tên “chợ Choảng” được gọi song song với tên chợ Chuộng.
Người dân cho rằng, năm nào ở chợ có đánh nhau, ẩu đả thì năm đó làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, càng đánh nhau lớn, càng làm ăn phát đạt. Do mang theo tâm lí đến chợ để được đánh nhau, có đánh nhau mới có may mắn cả năm nên cảnh ẩu đả giữa những người đến chợ năm nào cũng có. Tuy nhiên, dưới sự quản lý của chính quyền, những năm gần đây các vụ ẩu đả tại chợ Chuộng giảm rõ rệt.
Phổ biến và được chờ đợi nhất tại phiên chợ độc đáo này vẫn là những màn cầu may với hành động ném cà chua vào người đến tham dự chợ. Người ta quan niệm cà chua màu đỏ, ném nhau là hành động mừng tuổi “cái đỏ” (điều tốt lành) đầu xuân.
Việc ném cà chua diễn ra giữa các nhóm thanh niên nam nữ với nhau như sự bày tỏ tình cảm quý mến. Chợ họp dưới bãi đất trống, bao quanh là các triền đê, màn “mưa cà chua” từ đê ném xuống chợ luôn tạo ra những tiếng vỗ tay, reo hò. Người ném trúng đích cũng vui mà người bị ném cũng hồ hởi không kém.
Thi thoảng, từng tốp nam thanh nữ tú lại lao vào nhau mà ẩu đả giả vờ, họ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vào người bạn cùng lứa trong làng, trong xã. Kẻ thua phải chịu nhảy xuống sông Hoàng tháo thân trong tiết trời lạnh đầu năm.
Mỗi khi có người chịu nhảy xuống sông tháo chạy là màn ẩu đả đó dừng lại, cả khu chợ được một phen nói cười, bình luận rôm rả, tiếng vỗ tay không ngớt trên các triền đê. Phiên chợ tiếp diễn với tiếng hò reo, nô đùa, khung cảnh náo động làm bừng lên không khí của những ngày đầu năm mới.
Bên cạnh đó, chợ còn là nơi để người dân địa phương đem bán những sản vật nông nghiệp trong vùng, dễ bắt gặp nhất là gà giống, vịt giống, khoai lang, cà chua, táo, rau quả và các loại bánh chế biến từ bột gạo như: Bánh cuốn, bánh răng bừa, bánh đa…
Cả người bán và người mua đều đến chợ với tâm lý việc mua - bán chủ yếu là để “mở hàng” cho một năm, để lấy may mắn chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Chính vì lẽ đó, người bán cũng chẳng để ý việc nói thách, người mua thì luôn thuận lòng, hồ hởi rút tiền thanh toán món hàng mình ưa thích.
Tại chợ Chuộng, những món hàng hóa có màu đỏ được người mua ưa thích bởi người ta quan niệm màu đỏ gắn liền với sự may mắn. Bởi thế, những hàng bán cà chua, bánh đa gấc… luôn là những điểm đông người đến mua và thường “cháy hàng” trước tiên.
Chợ Chuộng kết thúc vào trưa cùng ngày, dù không nhiều hàng hóa phong phú nhưng có lẽ, với người tham gia phiên chợ, món hàng "hời" nhất chính là niềm tin vào một năm mới đầy may mắn.
Bình luận