• Zalo

Doanh thu gã khổng lồ dầu mỏ Nga tăng đột biến

Thời sự quốc tếThứ Tư, 21/02/2024 06:28:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Lợi nhuận ròng của gã khổng lồ dầu mỏ Nga - Rosneft, trong năm 2023 tăng đột biến, đạt gần 50%.

Theo thông báo của Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, lợi nhuận ròng tại tập đoàn dầu mỏ này tăng 47,2% trong năm ngoái, đạt 1,3 nghìn tỷ rúp (14 tỷ USD) bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga.

Rosneft cho biết sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đạt 193,6 triệu tấn vào năm 2023, trong khi tổng sản lượng hydrocarbon lên tới 269,8 triệu tấn. Tập đoàn này đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất khí đốt trước những hạn chế về dầu mỏ.  

Biểu tượng của tập đoàn Rosneft tại trụ sở ở Moskva. (Ảnh: TTXVN)

Biểu tượng của tập đoàn Rosneft tại trụ sở ở Moskva. (Ảnh: TTXVN)

Gã khổng lồ năng lượng Nga báo cáo lợi nhuận tăng vọt ngay cả khi đang vướng vào tranh chấp pháp lý về tài sản ở Đức, mà hãng tin Politico ước tính trị giá vụ tranh chấp khoảng 7 tỷ USD.   

Vào năm 2022, sau xung đột Ukraine, chính phủ liên bang Đức đã nắm quyền kiểm soát tài sản của Rosneft ở nước này. Nổi bật nhất trong số những tài sản này là nhà máy lọc dầu Schwedt, nơi tập đoàn Rosneft là cổ đông lớn. 

Đầu tháng này, truyền thông tiết lộ rằng chính quyền Đức đang thảo luận về việc tiếp quản nhà máy lọc dầu. Nhà máy Schwedt chiếm một nửa nguồn cung cấp nhiên liệu cho miền đông nước Đức và khoảng 11% tổng lượng nhiên liệu của cả nước Đức.   

Trong khi Berlin coi việc quốc hữu hóa nhà máy là một cách để đảm bảo nhu cầu năng lượng lâu dài của mình, các chuyên gia cảnh báo động thái này có thể có nguy cơ cắt giảm nguồn cung và dẫn đến khoản chi trả lớn cho Moskva.  

Nga đã phản ứng trước động thái của Đức, cảnh báo việc quốc hữu hóa tài sản của Rosneft ở Đức sẽ tương đương với việc tịch thu tài sản này - bước đi sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng.

Theo Bloomberg, thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước thời điểm bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này cho thấy các nước phương Tây đã thất bại trong việc hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Moskva.

Với mục đích làm giảm nguồn lực cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7 và Australia hồi cuối năm ngoái đã áp đặt biện pháp áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, “đòn” trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, trong khi đem lại cơ hội tăng lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty vận tải nằm ngoài tầm theo dõi.

Kông Anh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn