Báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết quý III/2022 cải thiện mạnh mẽ, kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại, sau thời gian bị dồn nén vì dịch COVID-19.
Hàng loạt doanh nghiệp “thắng đậm”
Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) vừa công bố báo cáo tài chính cho thấy kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, sabeco đạt 8.635 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.395 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 3 lần so với quý III/2021.
Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận hơn 25.100 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 44% và 75% so với cùng kỳ 2021. Với mức lợi nhuận này, tính trung bình mỗi ngày, Sabeco thu về gần 92 tỷ đồng doanh thu và lãi hơn 16 tỷ đồng.
Theo SAB, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cải thiện và cao hơn năm trước khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như tiếp thị cũng giúp thúc đẩy hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Sabeco cũng nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Hóa chất Đức Giang, mã DGC) cũng mới công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 3.695,9 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế đạt 1.513,7 tỷ đồng, tăng 210%. Riêng công ty mẹ đạt 1.413,9 tỷ đồng, tăng 196% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu DGC đạt 11.332,6 tỷ đồng, tăng 86%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.916,7 tỷ đồng, tăng 342%.
Tương tự, Dược Hậu Giang (mã DHG) khiến nhiều cổ đông yên tâm khi công bố doanh thu thuần đạt 1.162 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 262,4 tỷ đồng, tăng 30% so với quý III/2021. Lũy kế 9 tháng, Dược Hậu Giang đạt hơn 3.345 tỷ đồng doanh thu và hơn 752 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 15% và 24% so với cùng kỳ.
Theo DHG, kết quả khả quan trên đến từ việc tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối khách hàng. Doanh nghiệp cũng quản lý tốt hơn các khoản phải thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền, tăng hiệu quả hoạt động.
Đấu giá du thuyền của FLC Group
Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp vừa thông báo đấu giá chiếc du thuyền FLC Albatross, giấy tờ đứng tên là Công ty Cổ phần tập đoàn FLC. Hiện du thuyền này được neo tại Công ty TNHH Câu lạc bộ Du Thuyền Việt Nam (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Du thuyền FLC Albatross mang biển kiểm soát HN-2014 của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được đóng mới ở Ba Lan năm 2017, sức chứa 12 người. Tài sản này đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quy Nhơn, đã qua sử dụng, được đưa ra đấu giá để xử lý thu hồi nợ.
Theo công ty đấu giá, chiếc du thuyền này có mức giá khởi điểm 35,7 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải cọc trước 3,5 tỷ đồng (10%) và mỗi bước giá tối thiểu 100 triệu đồng. Hình thức là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá.
Doanh nghiệp ào ạt mua lại trái phiếu trước hạn
Công ty cổ phần Sunshine Homes vừa thông báo mua lại trái phiếu trước hạn với quy mô 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành cuối năm 2020 chỉ còn hơn hai tháng nữa là đáo hạn. Doanh nghiệp này cho biết lý do là đơn vị bảo lãnh thanh toán bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nên Sunshine Homes phải mua lại trái phiếu theo yêu cầu của người sở hữu trái phiếu căn cứ theo điều khoản phát hành.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, nhà băng thông báo mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, cuối tháng 9, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hoàn tất mua lại 5 lô trái phiếu phát hành năm 2020 và 2021 có tổng giá trị lên đến 4.700 tỷ đồng.
Trong nhóm mua lại trái phiếu nhiều nhất, ngoài ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao thứ hai. Trong đó, Công ty Azura mua lại hơn 7.300 tỷ trái phiếu trước hạn, Yamagata mua lại gần 4.800 tỷ, Osaka Garden mua lại 3.400 tỷ đồng.
Tập đoàn Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn gần đây cũng đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ các lô trái phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng, cũng sớm hơn so với kỳ hạn 2 năm. Hay Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông bầu Đức mới đay công bố thực hiện mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp giảm sâu
Phiên giao dịch cuối tuần 21/10 chứng kiến thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa" với 884 mã giảm giá, trong đó có cổ phiếu nhiều ông lớn. Theo đó, cổ phiếu VHM (Vinhomes) giảm 4,1%, MSN (Masan) giảm 6,7%, GAS (PetroVietnam Gas) giảm 3,34%, VIC (Vingroup) giảm 3,03%, HPG (Tập đoàn Hòa Phát) giảm 6,6%...
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng cũng giảm mạnh, như VCB (Vietcombank) giảm 1,7%, TCB (Techcombank) giảm 6,9%, CTG (Vietinbank) giảm 6,8%, MBB (MBBank) giảm 6,1%...
Nhiều chuyên gia nhận định, tuần giao dịch 24 - 28/10, VN-Index khả năng tiếp tục giảm điểm, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi cơ hội, hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.
Bình luận