Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố kế hoạch mở rộng quỹ đất. Động thái này được cho là nhằm đón đầu cơ hội đầu tư, sau khi 3 luật mới có hiệu lực, tạo nên kỳ vọng vào sự hồi phục và phát triển của thị trường.
Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi dự kiến chi 195 tỷ đồng để mua một phần khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; dành 180 tỷ đồng để mua một phần dự án tại khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm, tỉnh Bình Thuận.
Công ty CP Tập đoàn Nam Long cũng có kế hoạch sẽ tăng dần quỹ đất dài hạn cho sản phẩm tầm trung thông qua mua bán - sáp nhập và phát triển đất thô. Đồng thời, doanh nghiệp này tiếp tục tập trung triển khai một số dự án như Mizuki Park, Waterpoint giai đoạn 1, Akari City, EHome Southgate…
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, chia sẻ, doanh nghiệp của ông trong thời gian tới sẽ dành những nguồn vốn nhất định để đầu tư hiệu quả cho thương vụ M&A dự án mới. Nam Long hướng đến tìm hiểu quỹ đất nông nghiệp, khám phá cơ hội đầu tư mua lại công ty phù hợp để tạo tiền đề tăng trưởng, bên cạnh 681 ha đất sẵn sàng triển khai.
Hay ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Đất Xanh Group, cũng chia sẻ về mục tiêu săn lùng các khu đất rộng 100 - 200 ha trên toàn quốc với pháp lý đầy đủ để triển khai các dự án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Công ty bất động sản An Gia nhiều lần cho biết đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện M&A, mở rộng quỹ đất sạch. Doanh nghiệp này nhấn mạnh quan điểm không chạy theo thị trường, không mua quỹ đất hay dự án bằng mọi giá. Công ty sẽ có những phân tích kỹ càng về khu đất để khi đưa ra thị trường có giá sản phẩm phù hợp với túi tiền của đa số người mua.
Nhiều “ông lớn” địa ốc như DIC Holdings, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng...cũng tích cực "thâu tóm" đất từ 50 - 150 ha tại một số khu vực Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận để phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.
Xu hướng gom quỹ đất này cũng được thể hiện trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng. Theo Bộ Xây dựng, tính pháp lý, thanh khoản, tiền sử dụng đất…là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Báo cáo cũng cho biết, doanh nghiệp có xu hướng nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới.
Đón đầu cơ hội mới
Chia sẻ về lý do "săn" đất vào thời điểm này, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long - cho rằng, trong dài hạn thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do còn dư địa phát triển lớn. Nhận định này dựa trên cơ sở tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới chỉ đạt 39%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64%), Malaysia (78%), Singapore (100%).
Theo ông Lucas, Chính phủ đã bắt đầu thận trọng hơn nhiều trong việc phê duyệt dự án đầu tư mới, một vài trường hợp bị đóng băng. Năm nay, ngoài phân khúc sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp được tung ra thị trường thì nguồn cung đã xuất hiện ở một số phân khúc khác. "Nguồn cung sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng", ông Lucas dự báo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích: Khi bảng giá đất mới được thông qua, giá đất sẽ tăng, lập tức tác động đến thị trường bất động sản và giá nhà ở sẽ tăng theo. Do giá nhà được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá đất nên tiền sử dụng đất cũng là một căn cứ để chủ đầu tư quy định giá bán. Thông thường, chi phí này chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ tại các dự án chung cư và từ 30 - 50% cho loại hình nhà phố và biệt thự.
Với bảng giá đất mới, nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình để xin cấp giấy chứng nhận đối với đất ở sẽ tăng lên cao. Đồng thời sẽ tác động trực tiếp đến thị trường khi chi phí đầu vào như bồi thường, giải phóng mặt bằng gia tăng. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để "gom" đất vì chủ đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm đã hoàn thiện về pháp lý và có giá phù hợp hơn.
Bình luận