(VTC News) - Hoạt động ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng các sếp ngân hàng vẫn lĩnh lương "khủng" lên tới cả tỷ đồng.
Sếp ngân hàng lương bạc tỷ
2013 là năm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, ngân hàng là một trong những ngành trong tình trạng "đầu sóng, ngọn gió". Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận lên tới cả trăm tỷ nhưng so với lượng vốn khủng, những khoản lợi nhuận đó được đánh già là kém khả quan.
Vì vậy, năm qua, ngân hàng thường gây sốc với những thông tin như "ngân hàng cắt giảm hàng ngàn nhân sự" hay lương nhân viên ngân hàng không bằng lương osin. Thế nhưng, các sếp ngân hàng vẫn đều đặn nhận lương bạc tỷ.
Mặc dù gặp nhiều vấn đề về lãnh đạo nhưng năm 2013 Sacombank là một trong những ngân hàng mạnh tay chi lượng tiền rất khủng cho các sếp lớn. Cụ thể, các sếp trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhận được tổng cộng 26,196 tỷ, các sếp trong ban điều hành thậm chí còn kiếm nhiều hơn với con số 48,814 tỷ.
Sacombank là một trong những ngân hàng trả thù lao hẫu hĩnh cho sếp lớn |
Trong khi đó, làm việc ròng rã trong vòng 1 năm, nhân viên Sacombank kiếm được 200 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với thu nhập bình quân tháng của một sếp trong ban lãnh đạo. Điều đáng nói, 203,4 triệu đồng chỉ là con số bình quân nên chắc chắn thu nhập của Tổng giám đốc sẽ cao hơn con số này.
ACB là một trong những ngân hàng công khai thu nhập của sếp lớn. Tuy nhiên, năm nay, ACB "đương đông kích tây" bằng cách không ghi khoản lương này vào chi phí hoạt động như đã làm với quỹ lương cho nhân viên mà lại ghi vào mục "Giao dịch liên quan" trong thuyết minh báo cáo tài chính. ACB không tiết lộ rõ thu nhập của từng sếp mà chỉ kê khai theo ban. Cụ thể, quỹ lương, thưởng ACB dành cho ban Tổng giám đốc gần 11,2 tỷ đồng, Hội đồng quản trị 4,84 tỷ đồng và ban kiểm soát là 2,42 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi sếp trong ban tổng giám đốc nhận 1,12 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 93,3 triệu đồng/người/tháng, mỗi sếp trong ban kiểm soát nhận 605 triệu đồng/người/năm, tương ứng 50,4 triệu đồng/người/tháng. Các sếp trong Hội đồng quản trị "nghèo" nhất khi mỗi người chỉ thu về trung bình 440 triệu đồng/người/năm, tương ứng 36,7 triệu đồng/người/tháng.
ACB là ngân hàng thương mại cổ phần lớn hơn Maritimebank rất nhiều. Thế nhưng, các sếp Maritimebank lại kiếm tiền giỏi hơn các sếp ACB. Năm 2013, mỗi sếp trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Maritimebank nhận trung bình 1,63 tỷ đồng/người/năm và 135,4 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù Maritimebank công bố báo cáo không mấy "đẹp" và Maritimebank thậm chí còn muốn vượt khó bằng cách sáp nhập với 1 tổ chức tín dụng khác, các sếp Maritimebank vẫn đòi tăng thù lao trong năm 2014. Dự kiến năm 2014, thu nhập của mỗi sếp là 1,88 tỷ đồng/người/năm và 156,3 triệu đồng/người/tháng.
Cũng là một ngân hàng sắp bị sáp nhập, Southern Bank gây thất vọng khi lợi nhuận sau thuế 2013 chỉ đạt 3,2% chỉ tiêu đề ra. Bết bát như vậy nhưng Southern Bank vẫn ưu ái các sếp lớn khi trả thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát 12 tỷ đồng, chiếm 66% tổng lợi nhuận. Riêng thư ký Hội đồng quản trị được ngân hàng đề xuất trả thù lao hơn nửa tỷ đồng.
Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát có tổng cộng 12 người. Như vậy, trung bình mỗi sếp nhận 1 tỷ đồng/người/năm, tương đương 833,3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, khoản cổ tức "chỉ" trị giá 2 tỷ đồng, Southern Bank dự kiến sẽ giữ lại dưới hình thức lợi nhuận chưa phân phối để hỗ trợ vốn cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.
Rất nhiều ngân hàng khác dù đã công bố báo cáo tài chính 2013 nhưng vẫn "quên" không công bố khoản thu nhập của sếp lớn. Dù ngân hàng không công bố nhưng dư luận vẫn tin chắc đó sẽ là những con số không hề nhỏ.
Doanh nghiệp lớn, sếp lương khủng
Không chỉ ngân hàng trả lương khủng cho sếp bự mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng rộng tay mở hầu bao "chiều" sếp. FPT là một trong những doanh nghiệp không bí mật những con số "nhạy cảm" này.
Bầu Đức nhận thù lao 3,5 tỷ đồng năm 2012 |
Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) cũng là đơn vị có "truyền thông" trả lương cao cho lãnh đạo. Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị đề xuất mức chi năm 2014 cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 4,3 tỷ đồng, trong đó riêng vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị chuyên trách nhận 1,8 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, vị trí này nhận 1,4 tỷ đồng/năm, tương đương 116,7 triệu đồng/tháng.
Tại công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, thù lao cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 4,88 tỷ đồng. Trung bình mỗi lãnh đạo trong 2 ban này nhận 610 triệu đồng/người/năm, tương ứng 50,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số tiền bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc REE nhận được chắc chắn sẽ rất lơn vì năm 2012, quỹ lương này chỉ là 3,28 tỷ đồng, bà Thanh đã thu về 100 triệu đồng/tháng.
Năm 2014, REE đề xuất quỹ lương dành cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 3,249 tỷ đồng. Nhưng đi kèm với nó là chính sách thưởng rất hậu hĩnh. Cụ thể, tổng giám đốc và các giám đốc điều hành sản xuất kinh doanh của nhóm công ty REE sẽ được thưởng khoản tiền tương đương 15% phần lợi nhuận sau thuế vượt lợi nhuận thực hiện 2013.
Trong tháng 4, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hé lộ mức lương khủng của lãnh đạo. Nhưng hiện tại, những ai quan tâm đến lương, thưởng của sếp lớn đang dồn sự chú ý tới Hoàng Anh Gia Lai vì những năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai thường lọt vào Top những sếp được trả thù lao hẫu hĩnh nhất.
Năm 2012, cả lương và thưởng, bầu Đức nhận 3,5 tỷ đồng/năm, tương đương 291,7 triệu đồng/tháng. Năm 2013, khả năng bầu Đức được "tăng lương" là rất cao. Vì vậy, thu nhập của bầu Đức hoàn toàn "đọ" được với các sếp lớn ngân hàng.
Bảo Linh
Bình luận