Sáng 10/6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ để nghe các kiến nghị của doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bàn giải pháp hỗ trợ.
Nêu những khó khăn thực tế hiện nay trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay DN trong ngành hoạt động đã khó nay càng khó hơn.
Bên cạnh đó, DN đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường.
“Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trên đống lửa vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, chưa kể chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Hiến nói.
Ông Hiến kiến nghị TP gấp rút triển khai các giải pháp mạnh. Trước hết, ông đề nghị TP chỉ đạo Sở GTVT và lực lượng kiểm tra các chốt tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện…
Nhắc lại tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh thành với doanh nghiệp TP.HCM trong thời gian gần đây làm gián đoạn hoạt động sản xuất của DN, ông Hiến đề nghị TP.HCM có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng đề nghị TP nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine COVID-19 nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các DN sản xuất ngành trọng yếu trên địa bàn TP.
Ông Hiến cũng đề xuất TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kho lạnh. Theo ông, đây chính là vấn đề thiết thực đối với một quốc gia mà nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng cao, không chỉ phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm mà cả ngành thủy sản Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đồng thời đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước sớm bổ sung các DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...
Song song đó, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những DN đang làm ăn có uy tín, giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở để DN đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bình luận